KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THUẾ

Nhà nước đã sử dụng thuế làm công cụ để điều tiết nền kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo mục tiêu cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, dành vốn cho đầu tư, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế, tăng cường củng cố quốc phòng, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội… Trong những năm qua công tác quản lý thuế có nhiều chuyển biến tích cực, ngành thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều sai sót từ cả bên thu lẫn bên nộp dẫn đến sai lệch trong việc thu thuế của nhà nước, làm phát sinh các yêu cầu giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực thuế.

  1. Định nghĩa về khiếu nại hành chính trong lĩnh vực thuế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại 2011:

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”

Theo quy định trên thì khiếu nại quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế là việc các cá nhân, tổ chức đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thuế, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính về thuế khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

  1. Đặc điểm khiếu nại hành chính trong lĩnh vực thuế

Thứ nhất, mục đích của khiếu nại là bảo vệ và khôi phục lại quyền và lợi ích của người bị khiếu nại đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xâm hại.

Thứ hai, về chủ thể khiếu nại, Khoản 1 Điều 1 và Điều 101 Luật khiếu nại thì chủ thể có quyền khiếu nại bao gồm: công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức; cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.

Thứ ba, đối tượng của khiếu nại hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, khiếu nại được thực hiện theo thủ tục hành chính được quy định trong Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

  1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính về thuế

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 29 Thông tư 28/2011/TT-BTC: “Chi cục trưởng Chi cục Thuế có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, trong trường hợp có căn cứ cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đó là chưa hợp lý thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần 2 theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 là Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Chi cục trưởng chi cục thuế là Cục trưởng Cục thuế:

 “1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

  1. Quy trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính về thuế 

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người dân có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan đó xem xét lại.

Sau khi nhận đơn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ thụ lý đơn khiếu nại hoặc yêu cầu khiếu nại trực tiếp. Trong thời hạn 10 ngày, nếu trường hợp không thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ thụ lý giải quyết và ra thông báo thụ lý bằng văn bản cho bên khiếu nại. Tiếp theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xác minh nội dung khiếu nại theo quy định tại Điều 29 Luật Khiếu nại 2011, cụ thể:

  • Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.
  • Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

Nếu đề nghị khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại khác nhau thì trong quá trình giải quyết khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền khiếu nại sẽ tổ chức đối thoại với bên người khiếu nại. Người khiếu nại có quyền làm rõ nội dung khiếu nại. Sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại với khiếu nại của người khiếu nại.

Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền thì bên khiếu nại có thể khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại Điều 33 Luật Khiếu nại 2011:

“1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

  1. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Việc hiểu đúng và áp dụng chính xác các quy định trên là một trong những yêu cầu quan trọng, đồng thời là cơ sở cho việc đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người dân và góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực thuế.