NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA ĐỒNG PHẠM

Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có nhiều đối tượng tham gia. Đồng phạm có ý nghĩa rất lớn đến việc xác định dấu hiệu phạm tội của tội phạm. Vậy việc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm được dựa trên những nguyên tắc nào? Sau đây, Văn phòng Luật sư Long Việt kính mời Quý bạn đọc cùng tìm hiểu nhé!

  1. Khái niệm đồng phạm

Căn cứ Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đồng phạm được quy định như sau:

–   Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

–   Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

–   Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

+ Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

+ Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

+ Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

+ Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

–   Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Từ đó có thể thấy rằng,

Đồng phạm phải từ hai người trở lên, những người này phải có đủ dấu hiệu về chủ thể của tội phạm. Đây là điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đồng phạm phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hành vi của người này hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của người khác và ngược lại, hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động phạm tội của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm.

  1. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự chung

–  Tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm đã gây ra. Họ đều bị  truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật, trong phạm vi những chế tài điều luật đó quy định.

–  Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, về quyết định hình phạt, về thời hiệu mà luật định đối với loại tội phạm do đồng phạm thực hiện được áp dụng cho tất cả những người đồng phạm.

Thứ hai, nguyên tắc độc lập của trách nhiệm hình sự trong đồng phạm

Theo đó, mỗi người đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm. Trách nhiệm hình sự độc lập về việc cùng thực hiện tội phạm thể hiện ở chỗ mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đến đâu thì áp dụng trách nhiệm đến đó. Người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.

–  Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm:

+  Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

+  Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

Thứ ba, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm

+  Cần căn cứ vào tính chất của đồng phạm.

+  Đánh giá tính chất của hành vi phạm tội, mức độ tham gia của người phạm tội.

Trên đây là bài viết của Văn phòng Luật sư Long Việt về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của đồng phạm. Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi!