Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta không tránh khỏi những mâu thuẫn với người những xung quanh. Tuy nhiên, có người có thể kiềm chế được cảm xúc có người thì lại có những hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác cụ thể đó là tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Cố ý gây thương tích hoặc làm tổn hại sức khỏe của người khác là hành vi cố ý như đánh đập, dùng dao đâm… của một người làm cho một người khác bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khỏe. Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm gây hại cho thân thể người khác, nghiệm trọng hơn là dẫn đến hậu quả chết người.
I. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 134 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.
II. Các yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của tội phạm :
Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện ý chí và điều khiển hành vi của người phạm tội với mong muốn gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác.
– Công cụ và phương tiện phạm tội
Người phạm tội sử dụng các công cụ phương tiện phạm tội như dao, súng, gậy, côn, lựu đạn chất nổ, hoặc sử dụng tay chân của mình…. để đánh đập người khác. Tùy vào từng loại phương tiện phạm tội mà người phạm tội lựa chọn thì có thể xác định được người phạm tội mong muốn nạn nhân chết hay chỉ muốn gây thương tích hoặc tổn hại đến sức khỏe.
– Xác định vị trí bị gây thương tích, tổn hại sức khỏe
Trong thực tế khi một người muốn tước đoạt mạng sống của một ai đó thì người phạm tội sẽ tấn công ở một số điểm quan trọng trên cơ thể như: Vùng đầu, vùng cổ. vùng bụng, vùng ngực.. và kết hợp sử dụng một số công cụ, phương tiện. Nếu các công cụ, phương tiện ít gây nguy hiểm và cùng với việc tấn công vào các điểm không được xem là xung yếu trên cơ thể thì có thể xác định là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà không phải là hành vi giết người.
– Mức độ nguy hiểm của hành vi
Để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe dựa vào mức độ tấn công, cường độ tấn công mạnh hay yếu cùng với vị trí tấn công trên cơ thể để xem hành vi đó có dồn dập và cường độ tấn công mạnh hay không? Trong trường hợp, mức độ, cường độ tấn công không mạnh và kết hợp với những vị trí tấn công không nhằm vào các vị trí quạn trọng của cơ thể, không nhằm mục đích tước đi sinh mạng của nạn nhân. Dựa vào đó, chúng ta sẽ không xác định đó là hành vi giết người mà là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
– Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác được thể hiện ở tỷ lệ thương tật ( tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân theo quy định của pháp luật.
2. Chủ thể của tội phạm
– Là người có lỗi trong việc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác
– Người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
3. Khách thể của tội phạm
– Là hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, người phạm tội có hành vi tác động vào cơ thể của nạn nhân gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân.
– Hậu quả: gây tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11%. Cách để tính tỷ lệ gây thương tích hay tổn hại sức khỏe tại Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12 tháng 06 năm 2014 của Bộ Y tế.
4. Mặt chủ quan:
– Là hành vi có lỗi do cố ý. Người phạm lỗi nhận thức được hành vi của mình có thể gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng mong muốn hoặc cố ý để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Mục đích phạm tội: gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho nạn nhân có thể nhìn thấy được về thể chất lẫn tinh thần. Trong trường hợp này, người phạm tội chỉ có mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe và không mong muốn nạn nhân chết.
Xem thêm >>> Trẻ em dưới 16 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trên đây là những thông tin cơ bản về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Mọi thắc mắc, khách hàng có thể liên hệ Văn Phòng Luật sư Long Việt để được tư vấn, giải đáp thắc mắc.
Tư vấn viên : Đào Thị Thủy