Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Do đó, Nhà nước có rất nhiều chính sách để ghi nhớ công ơn của họ. “Nhận hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng” là một trong những chính sách của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Sau đây, Văn phòng Luật sư Long Việt kính mời Quý bạn đọc cùng tìm hiểu.
- Khái niệm
Người có công với cách mạng là người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm được quy định chi tiết tại điều 32 Pháp lệnh người có công với cách mạng.
Người có công với cách mạng được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, theo đó Người có công với cách mạng gồm:
– Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
– Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
– Liệt sĩ;
– Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
– Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
– Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
– Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
– Bệnh binh;
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
– Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
– Người có công giúp đỡ cách mạng.
- Điều kiện, tiêu chuẩn
Điều kiện, tiêu chuẩn được công nhận là người có công giúp đỡ cách mạng gồm các đối tượng:
– Người được tặng/ người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng Có công với nước trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
– Người được tặng/ người trong gia đình được tặng Huân chương hoặc Huy chương Kháng chiến.
- Diện hỗ trợ về nhà ở
– Những hộ gia đình người có công với cách mạng có tên trong đề án đã được Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 31/5/2017 mới thuộc diện được ngân sách trung ương hỗ trợ về nhà ở.
– Các trường hường phát sinh sau ngày 31/5/2017, việc hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương mà có phương án hỗ trợ phù hợp.
– Căn cứ Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2017, nguồn ngân sách hỗ trợ nhà ở cho các cá nhân hộ gia đình có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg là 100% từ ngân sách trung ương.
- Hồ sơ cần chuẩn bị
– Đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở;
– Biên bản kiểm tra hiện trạng, điều kiện nhà ở thuộc đối tượng được hỗ trợ của UBND cấp xã;
– Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng;
– Sổ hộ khẩu gia đinh ( bản sao có chứng thực);
– Căn cước công dân/ chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực)
- Nộp hồ sơ: tại Ủy ban nhân dân cấp xã
– Ủy ban nhân dân xã đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ.
Trên đây là quy định của pháp luật về hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi!