• 29-03-2021
  • 1070 Lượt xem

Phòng vệ chính đáng: cái cớ tốt đẹp và nỗi đau đầu của các nhà tư pháp

1. Như thế nào là phòng vệ chính đáng?

Khoản 1 Điều 22 BLHS 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Căn cứ theo quy định này, có thể hiểu đơn giản, phòng vệ chính đáng là việc một người đáp trả, chống lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến (1) các quyền và lợi ích chính đáng của chính bản thân họ, của người khác hoặc (2) lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức nhằm bảo vệ các lợi ích đó.

Ví dụ: A bị B đuổi theo với một con dao. A dùng đá đập đầu B khiến B mất mạng.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại) thì người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 22 Bộ luật này).

Như đã trình bày ở ví dụ nói trên, A bị B cầm dao đuổi theo nên đã dùng đá đánh chết B. Tuy nhiên, nếu A có thể chạy thoát B (xét thể trạng A tốt hơn B) nhưng lại lựa chọn cầm đá đánh vào đầu B đến chết thì sao? Liệu hành vi này đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay chưa? Làm sao có thể xác định rõ việc A đánh chết B là không thể tránh khỏi trong thời điểm đó?

Có thể nói, để tránh phải chịu trách nhiệm hình sự, một người hoàn toàn có thể sử dụng “phòng vệ chính đáng” để biện minh cho hành vi của mình. Điều này không hề hiếm trong các vụ án hình sự. Việc xác định có phải phòng vệ chính đáng hay không; hành vi có vượt quá phòng vệ chính đáng không, do đó, thực sự là một gánh nặng.

phòng vệ chính đáng

2. Những khó khăn trong việc xác định hành vi phòng vệ chính đáng

Tại sao lại nói khó xác minh một hành vi có hay không phải là phòng vệ chính đáng? Trước hết, cần phải xác định có quyền và lợi ích chính đáng bị xâm phạm. Cá nhân người viết cảm thấy điều này nói dễ thì rất dễ, khó thì cũng rất khó. A đánh B để cướp tiền, B dùng mũ bảo hiểm đánh A. Như vậy, B đã bị xâm phạm về tài sản, thân thể, sức khỏe. Đặt trường hợp khác, A và bạn nói chuyện, trong đó có một vài câu khiến B (lúc đó đi ngang qua) cảm thấy bị động chạm, xúc phạm nặng nề. B chất vấn A. A không xin lỗi, còn dọa đánh B nên B xô A xuống cầu thang. Liệu quyền lợi của B có bị xâm phạm trong trường hợp này không?

Tiếp nữa, phải khẳng định rằng khi quyền và lợi ích chính đáng của con người, tổ chức bị xâm hại, lẽ bình thường là những chủ thể này (hoặc chủ thể khác) sẽ phản ứng lại. Nhưng phản ứng như thế nào thì được coi là “cần thiết”? Là “mắt đổi mắt”, là “gậy ông đập lưng ông”? Chắc chắn chẳng có pháp luật nào, xã hội nào lại dung túng cho chuyện như vậy xảy ra. Nhưng các hành vi chống trả đâu phải lúc nào cũng rõ ràng để dễ dàng nhận định là cần thiết hay không cần thiết? Như vậy, câu chuyện này sẽ quyết định hành vi là phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay là phạm tội thông thường. Tuy nhiên, để xác định được “quá mức mức cần thiết”, “không phù hợp với tính chất và mức độ cho xã hội của hành vi xâm hại” lại là một khó khăn khác.

3. Hệ quả pháp lý của việc đưa ra phán quyết về hành vi phòng vệ chính đáng

Như đã trình bày ở trên, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Một khi được xác định là thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, người bị buộc tội sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS 2015. Vì vậy, tòa án phải hết sức tập trung và nghiêm túc trong việc đưa ra phán quyết liên quan đến hành vi phòng vệ chính đáng.

Tuyên một hành vi là phòng vệ chính đáng có thể tạo thành tiền lệ, gây ra khó khăn trong quá trình tố tụng các vụ án sau. Mặt khác, điều này có thể gia tăng tỷ lệ sử dụng phòng vệ chính đáng để biện minh cho hành vi phạm tội hay sử dụng nó như tình tiết giảm nhẹ hòng nhận được mức hình phạt thấp hơn (khoản c Điều 51 BLHS 2015 quy định phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Cá biệt, không loại trừ trường hợp tòa đưa ra phán quyết cho lợi cho người thực sự phạm tội, gây nên bức xúc trong dư luận, tổn hại ngành tư pháp.

Có thể nói, phòng vệ chính đáng là một lý do hết sức chính nghĩa, hợp lý để phân trần cho hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật của chủ thể. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng cái cớ này không dễ dàng được thông qua và càng không phải là kim bài miễn tử. Hãy thật sáng suốt khi lựa chọn sử dụng quy định này.

Liên hệ
icon-zalo