• 15-06-2022
  • 1620 Lượt xem

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ

Di sản thừa kế là tài sản do người mất để lại. Nếu người được hưởng di sản thừa kế không nhận phần di sản thừa kế đó thì họ sẽ có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Vậy quy định của pháp luật về từ chối nhận di sản thừa kế như thế nào? Văn phòng Luật sư Long Việt kính mời Quý bạn đọc cùng tìm hiểu!

  1. Điều kiện để người thừa kế được quyền từ chối nhận di sản

Không phải mọi trường hợp người thừa kế đều được từ chối nhận di sản thừa kế mà việc thừa chối nhận di sản thừa kế phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:

–        Việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

–        Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, người thừa kế khác và người được giao nhiệm vụ phân chia di sản.

–        Văn bản từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản

  1. Thẩm quyền công chứng, chức thực văn bản từ chối nhận di sản

Người từ chối nhận di sản thừa kế có thể chọn cách công chứng văn bản từ chối nhận di sản tại các phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã.

2.1 Thẩm quyền công chứng văn bản từ chối nhận di sản

–        Người yêu cầu công chứng phải xuất trình các giấy tờ sau:

+       Bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế;

+       Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

–        Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

2.2 Thẩm quyền chứng thực văn bản từ chối nhận di sản

–        UBND xã/phường/thị trấn có trách nhiệm chứng thực văn bản từ chối nhận di sản. (Điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP);

–        Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

  1. Trình tự, thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ từ chối nhận di sản thừa kế

–        Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo).

–        Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).

–        Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).

–        Di chúc (bản sao có chứng thực) trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.

–        Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).

–        Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).

Bước 2:  Người từ chối nhận di sản tiến hành chứng thực văn bản ở UBND cấp xã.

Bước 3: Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế

–        Người từ chối nhận di sản thừa kế tiến hành đóng phí và thù lao công chứng là 20.000 đồng (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC).

–        Nhận văn bản công nhận từ chối nhận di sản thừa kế.

Trên đây là bài viết của Văn phòng Luật sư Long Việt với chủ đề quy định của pháp luật về từ chối nhận di sản thừa kế. Cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi.

Liên hệ
icon-zalo