Khi gây ra thiệt hại nhưng không đủ khả năng bồi thường thì chủ thể gây thiệt hại sẽ được xem xét để giảm mức bồi thường khi đáp ứng các điều kiện luật định.
Những vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại
– Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Căn cứ theo điều 275 Bộ luật dân sự 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật cũng tương ứng với căn cứ này là các quy định tại chương XX, phần ba Bộ luật dân sự 2015 về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
-Bộ luật dân sự 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho bên bị thiệt hại.
– Qua đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các dấu hiệu:
+ Có thiệt hại xảy ra: Thiệt hại là yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành số tiền nhất định.
+ Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích Nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: Làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật bắt buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra: Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.
+ Căn cứ theo điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
- Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
+ Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời không hạn chế sự tự nguyện thoả thuận bồi thường giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Đồng thời nghiêm cấm sự ép buộc thoả thuận và việc thoả thuận đó không trái pháp luật, tuỳ theo sự thoả thuận của các bên có thể cao hơn mức thiệt hại hoặc thấp hơn mức thiệt hại xảy ra trên thực tế. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu lỗi do vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài.
Hai trường hợp người gây thiệt hại được giảm mức bồi thường
– Trường hợp thứ nhất, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– Trường hợp thứ hai, có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
– “Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại” – Người gây thiệt hại chỉ được giảm mức bồi thường do lỗi vô ý, còn lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ dù người gây thiệt hại có hoàn cảnh khó khăn, trừ trường hợp các bên thoả thuận với nhau về mức độ bồi thường.
– “Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế” – điều kiện này sẽ luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong thực tế việc xét xử các vụ án liên quan đến bồi thường thiệt hại đến sức khoẻ và tính mạng, việc xác định thế nào là “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài” là vấn đề rất phức tạp.
– “Khả năng kinh tế” – cũng là vấn đề cần phải xác định rõ để xem xét trường hợp nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại, trường hợp nào thì không được để bảo vệ quyền lợi, tính công bằng, tránh sự gian lận.
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1: Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2: Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Văn phòng 3: Số 6 – Ngõ 603/58 Lạc Long Quân (Mặt sau toà 7 tầng Khu Liên Cơ – số 258 Võ Chí Công)
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên: Đào Hoàng Anh