Căn cứ quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC thì chủ phương tiện (xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định.
1. Hợp đồng bảo hiểm
Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm duy nhất giữa chủ phương tiện và doanh nghiệp bảo hiểm. Mỗi phương tiện được cấp 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chủ phương tiện bị mất Giấy chứng nhận bảo hiểm phải có văn bản đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm (nơi đã cấp trước đây) cấp lại.
Lưu ý: Chủ phương tiện không được đồng thời tham gia hai hợp đồng bảo hiểm trở lên cho cùng một phương tiện.
2. Phí bảo hiểm: là khoản tiền mà chủ phương tiện phải thanh toán cho doanh nghiệp bảo hiểm khi mua bảo hiểm.
Căn cứ tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 22:
– Phí bảo hiểm đối với xe mô tô hai bánh, xe gắn máy từ 50 cc trở xuống: 55.000 đồng/năm.
– Phí bảo hiểm đối với xe mô tô hai bánh, xe gắn máy trên 50 cc: 60.000 đồng/năm.
– Phí bảo hiểm đối với xe ô tô dưới 6 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải: 437.000 đồng/năm…
Lưu ý: Đối với các phương tiện được phép mua bảo hiểm có thời hạn dưới 01 năm mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên mức phí bảo hiểm của từng loại phương tiện và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Cách tính như sau:
Phí bảo hiểm phải nộp = (Phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới x 365 (ngày)) x Thời hạn được bảo hiểm (ngày)
3. Mức trách nhiệm bảo hiểm và mức bồi thường
**Mức trách nhiệm bảo hiểm
Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ phương tiện số tiền mà chủ phương tiện đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trong đó, mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do phương tiện gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như sau:
– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do phương tiện gây ra: 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.
– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra: 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
– Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô gây ra: 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn.
4. Mức bồi thường
– Mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người không vượt quá mức bồi thường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22.
Đối với vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của bên thứ ba thì mức bồi thường bảo hiểm về người đối với các đối tượng thuộc bên thứ ba bằng 50% mức bồi thường quy định Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 22.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ phương tiện và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thanh toán cho chủ phương tiện. Trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho chủ phương tiện biết lý do từ chối bồi thường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
Lưu ý:
– Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết bồi thường, chủ phương tiện có thể khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm ra Tòa án. Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường. Quá thời hạn trên quyền khởi kiện không còn giá trị.
5. Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại
Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
– Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
– Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe.
– Lái xe không có Giấy phép lái xe (GPLX) hoặc GPLX không phù hợp đối với loại xe bắt buộc phải có GPLX. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có GPLX.
– Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
– Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
– Chiến tranh, khủng bố, động đất.
– Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1 : Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2 : Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên: Lê Quỳnh Trang