• 30-03-2021
  • 1405 Lượt xem

Sửa chữa, cải tạo lại nhà ở bắt buộc phải có giấy phép xây dựng, đúng hay sai?

Sữa chữa, cải tạo nhà ở KHÔNG PHẢI lúc nào cũng cần xin giấy phép xây dựng.

1. Trường hợp được miễn giấy phép xây dựng trong sửa chữa, cải tạo nhà ở

Căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 89 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020 (Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020), nếu thuộc môt trong những trường hợp sau đây, chủ sở hữu nhà ở (chủ đầu tư xây dựng) sẽ được miễn giấy phép xây dựng:

(1) Sửa chữa, cải tạo bên trong nhà ở (ví dụ: xây thêm nhà vệ sinh, phòng ngủ, cầu thang; sơn lại tường nhà; lát sàn gỗ….).

(2) Sửa chữa, cải tạo mặt ngoài của nhà ở, không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu nội dung sửa chữa, cải tạo (1) làm thay đổi công năng sử dụng, (2) làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của nhà ở và (3) không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường; thì chủ đầu tư xây dựng phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép.

giấy phép xây dựng

2. Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng

 Giấy phép xây dựng được chia thành bốn loại: (1) Giấy phép xây dựng mới; (2) Giấy phép sửa chữa, cải tạo; (3) Giấy phép di dời công trình và (4) Giấy phép xây dựng có thời hạn (khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020). Đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở, chủ đầu tư tiến hành xin cấp giấy phép loại (2) – giấy phép sửa chữa, cải tạo.

2.1 Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở bao gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở (mẫu tại Phụ lục số 01 Thông tư 15/2016/TT-BXD);

 (2) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

(3) Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng Mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo;

(4) Nếu nhà ở thuộc trường hợp công trình di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng thì phải có bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

2.2 Nộp hồ sơ và đóng lệ phí

Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 17 Thông tư 15/2016/TT-BXD, chủ đầu tư nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện (huyện, quận, xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi có nhà ở và đóng lệ phí (do HĐND cấp tỉnh quyết định – Điều 3 Thông tư 250/2016/TT-BTC).

Liên hệ
icon-zalo