1. Các trường hợp được thay đổi họ
Theo Điều 27 Bộ Luật Dân sự 2015, Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Lưu ý: Theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch thì “Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Như vậy, khi mẹ muốn thay đổi họ của con từ họ bố sang họ mẹ hoặc ngược lại thì cha/mẹ phải có sự đồng ý bằng văn bản hoặc xác nhận đồng ý của người còn lại về việc thay đổi họ cho con dưới 18 tuổi, kèm theo đó là sự đồng ý của con khi còn lớn hơn 9 tuổi.
Hậu quả pháp lý: Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.
Tức con cái vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với cha/mẹ theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình.
2. Hồ sơ yêu cầu thay đổi họ cho con
– Tờ khai đăng ký thay đổi hộ tịch (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP, Nội dung tại Tờ khai này được sửa đổi bởi Công văn 1288/HTQTCT-HT năm 2016).
Trường hợp thay đổi họ, tên cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có ý kiến đồng ý của người đó trong tờ khai.
– Bản chính giấy khai sinh.
– Các giấy tờ khác liên quan đến việc thay đổi, cải chính họ, tên cho con.
– Bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch (để xác định về cá nhân người đó).
3. Thẩm quyền đăng ký thay đổi
Theo Điều 27 Luật hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi.
4. Thời gian thực hiện thủ tục
Theo khoản 2 Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 thì:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
LIÊN HỆ LUẬT LONG VIỆT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN THEO CÁC ĐỊA CHỈ SAU
Tầng 1, tòa nhà B10A Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email: luatlongviet2@gmail.com
Điện thoại tư vấn trực tiếp: 0914 377 437
Luật sư: Lê Thảo