• 12-04-2022
  • 2185 Lượt xem

Các Điểm mới của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020:

Thứ nhất, hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020:

“1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.

d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

2. Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.”

Như vậy, Luật này đã bổ sung thêm hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp để thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Thứ hai, Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật

– Hỗ trợ người lao động hoặc trực tiếp làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật này.

– Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài.

– Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng giấy phép của doanh nghiệp để hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

– Giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho chi nhánh của doanh nghiệp không đúng quy định của Luật này.

– Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động, tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

– Thu tiền môi giới của người lao động.

– Thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của Luật này.

– Áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định tại Luật này.

– Đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của người lao động và cộng đồng hoặc không được nước tiếp nhận lao động cho phép.

Thứ ba, Thêm các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài:

Bên cạnh các công việc bị cấm khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, khoản 13 Điều 7 Luật này đã quy định thêm danh mục các khu vực bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:

– Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự;

– Khu vực đang bị nhiễm xạ

– Khu vực bị nhiễm độc;

– Khu vực đang có dịch bệnh nguy hiểm.

Thứ tư, Người lao động chỉ phải trả một phần phí dịch vụ:

Căn cứ điểm d Khoản 2 Điều 23 Luật mới, trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.

Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 23 Luật mới, khi hoàn trả tiền dịch vụ do người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của họ, doanh nghiệp dịch vụ còn phải trả lãi suất tính theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ năm, Quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ:

Khoản 4 Điều 23 Luật mới đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động như sau:

“a) Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 thang làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

b) Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;

c) Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bổ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định tại điểm a và điểm b khoản này.”

Liên hệ
icon-zalo