Đất đai là một loại tài sản lớn và có giá trị, vậy văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các việc như đăng ký biến động, chuyển nhượng, tặng cho,.. đều phải làm theo hồ sơ, trình tự rất chặt chẽ. Trong bài viết này Luật Long Việt sẽ gửi đến Quý độc giả các thông tin về chức năng cũng như quyền hạn của văn phòng đăng ký đất đai.
1. Căn cứ pháp lý
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014;
– Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật đất đai 2013;
– Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường;
2. Định nghĩa, chức năng văn phòng đất đai
- Theo Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai hướng dẫn về chức năng của Văn phòng đăng ký đất đai như sau:
- Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
- Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Kinh phí hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.”
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai.
– Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng, được nhà nước bố trí trụ sở, trang thiết bị làm việc, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, chịu sự lãnh đạo toàn diện và trực tiếp của Giám đốc Sở về tổ chức, biên chế và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai
- Xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm, dài hạn của Văn phòng và tổ chức thực hiện sau khi phê duyệt.
- Thực hiện các thủ tục về đăng ký đất được Nhà nước giao quản lý, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Thực hiện các thủ tục về cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Thực hiện các thủ tục về đăng ký biến động đối với đất được Nhà nước giao quản lý, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Lập, chỉnh lý, cập nhật, lưu trữ và quản lý hồ sơ địa chính; tiếp nhận, quản lý việc sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.
- Cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; chỉnh lý bản đồ địa chính; trích lục bản đồ địa chính.
- Kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất; kiểm tra, xác nhận sơ đồ nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tổ chức, cá nhân cung cấp phục vụ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
- Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp hồ sơ, bản đồ, thông tin, số liệu địa chính, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thực hiện cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Sở; phòng chống tham nhũng, lãng phí trong cơ quan; bảo vệ bí mật nhà nước, công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự cơ quan.
- Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở chỉ đạo.
4. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai
* Cơ cấu tổ chức:
– Lãnh đạo Văn phòng:
+ Lãnh đạo Văn phòng có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
+ Giám đốc Văn phòng là người đứng đầu Văn phòng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Văn phòng.
+ Phó Giám đốc Văn phòng là người giúp Giám đốc Văn phòng chỉ đạo, lãnh đạo một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Văn phòng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
+ Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Văn phòng thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy định.
– Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
Văn phòng có 04 phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm:
– Phòng Hành chính – Tổng hợp (bao gồm cả lĩnh vực tài chính);
– Phòng Đăng ký đất đai;
– Phòng Kỹ thuật địa chính (bao gồm cả lĩnh vực kế hoạch);
– Phòng Thông tin – Lưu trữ;
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Văn phòng có Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng. Giám đốc Văn phòng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Văn phòng.
– Các Chi nhánh Văn phòng:
Số lượng chi nhánh Văn phòng tho số lượng quận, huyện tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chi nhánh Văn phòng có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và 03 bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ (Hành chính – Tổng hợp, Đăng ký đất đai và kỹ thuật, Thông tin – Lưu trữ). Các bộ phận thuộc Chi nhánh Văn phòng có Trưởng Bộ phận và 01 Phó Bộ phận.
* Số lượng người làm việc
Số lượng người làm việc (bao gồm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác) của Văn phòng được giao trên cơ sở đề án vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế, số lượng người làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Cơ chế hoạt động và quản lý tài chính
– Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
– Cơ chế quản lý tài chính của Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện theo Điều 4 của Thông tư Liên tịch số 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
* Cơ chế phối hợp
Việc phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), cơ quan tài chính, cơ quan thuế và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo các nguyên tắc sau:
Bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch;
Xác định rõ cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp; trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nội dung, thời hạn, cách thức thực hiện; chế độ thông tin, báo cáo;
Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị.
Cơ chế phối hợp giữa Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan tài chính, cơ quan thuế và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan thực hiện theo Quy chế phối hợp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều này và hướng dẫn của liên Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1: Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2: Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Văn phòng 3: Số 6 – Ngõ 603/58 Lạc Long Quân (Mặt sau toà 7 tầng Khu Liên Cơ – số 258 Võ Chí Công)
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên: Đào Hoàng Anh