Trường hợp thứ nhất, Nhà đầu tư nước ngoài muốn góp vốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam là hình thức đầu tư tại khoản 1 Điều 21 Luật đầu tư 2020. Theo đó, Luật này có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 rằng nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy nếu không thuộc trường hợp đặc biệt thì nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế, dù phần vốn góp chỉ là 1% cũng phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi triển khai dự án đầu tư là bắt buộc với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam.
Trường hợp thứ hai, Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Pháp luật có quy định chi tiết về hình thức góp vốn, mua cổ phần và mua phần vốn góp, thủ tục thực hiện tại Điều 25, Điều 26 Luật đầu tư 2020. Theo đó, nếu góp vốn, mua cổ phần tại công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc tổ chức kinh tế khác thì nhà đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế kinh doanh ngành nghề không có điều kiện. Ngoại lệ được quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật này, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu đầu tư vào công ty kinh doanh ngành nghề có điều kiện (Phụ lục IV Luật nàu) hoặc tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ lên trên 50% hoặc mua của tổ chức kinh tế Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất tại khu vực ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng. Chi tiết quy định như sau:
“2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”
Trên đây là thông tin một số thông tin về đầu tư nước ngoài. Hi vọng bài viết sẽ có ích với bạn!