• 30-03-2021
  • 818 Lượt xem

Hứa thưởng – dùng sao cho đúng?

1. Hứa thưởng là gì?

Điều 570 BLDS 2015 quy định về hứa thưởng như sau:

  1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
  2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Từ quy định này, ta có thể rút ra một số đặc điểm của hứa thưởng:

Thứ nhất, quan hệ hứa thưởng bao gồm hai chủ thể:

(1) Bên hứa thưởng

– Cá nhân, tổ chức

– Có quyền đặt ra yêu cầu về công việc phải thực hiện; hình thức, nội dung của phần thưởng; cách thức nhận thưởng…

– Có nghĩa vụ phải trả thưởng cho người đã hoàn thành công việc được yêu cầu

(2) Bên được hứa thưởng

– Cá nhân, một nhóm người, tổ chức

– Thực hiện công việc theo yêu cầu của bên hứa thưởng

– Có quyền nhận thưởng mà bên hứa thưởng cam kết

– Phải thông báo cho bên hứa thưởng về việc hoàn thành công việc và bàn giao lại công việc đó

Thứ hai, công việc được hứa thưởng phải đảm bảo (1) tính cụ thể; (2) có thể thực hiện được và (3) không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.

hứa thưởng là gì

2. Những lưu ý khi sử dụng hứa thưởng

Thứ nhất, nội dung công việc phải bảo đảm các tiêu chí tại khoản 2 Điều 570 BLDS 2015 (xem lại phần 1 bài viết).

Thứ hai, bên hứa thưởng có thể rút lại tuyên bố hứa thưởng nhưng phải thực hiện (1) trước khi đến hạn bắt đầu thực hiện công việc và (2) thông qua cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng được công bố (Điều 571 BLDS 2015).

Thứ ba, việc trả thưởng phải tuân thủ quy định tại Điều 572 BLDS 2015. Cụ thể:

(1) Một người thực hiện một công việc: Trả thưởng khi người này hoàn thành công việc.

(2) Nhiều người thực hiện một công việc, thực hiện độc lập với nhau: Trả thưởng cho người hoàn thành công việc đầu tiên.

(3) Nhiều người hoàn thành một công việc vào cùng một thời điểm: Phần thưởng chia đều cho những người đó.

(4) Nhiều người cộng tác thực hiện một công việc: Trả cho mỗi người một phần của phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của họ.

Thứ tư, đối với những công việc phức tạp, phần thưởng giá trị lớn và xác định rõ chủ thể được hứa thưởng thì nên lập hợp đồng hứa thưởng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên hứa thưởng cũng như chất lượng của công việc được yêu cầu. Việc có căn cứ rõ ràng như hợp đồng bằng văn bản sẽ giúp các chủ thể tránh được tình trạng “hứa suông, hứa lèo” và cũng dễ dàng hơn trong giải quyết tranh chấp.

Hợp đồng hứa thưởng có thể bao gồm những nội dung như: (1) Thông tin về các chủ thể (Bên hứa thưởng, Bên nhận thưởng); (2) Nội dung hứa thưởng; (3) Hình thức trả thưởng; (4) Điều kiện trả thưởng; (5) Cách thức trả thưởng; (6) Cam kết của các bên; (7) Chế tài xử phạt khi vi phạm hợp đồng….

Liên hệ
icon-zalo