• 13-05-2021
  • 544 Lượt xem

Phạm tội buôn lậu

Vừa xong chiều ngày 10/05/2021, TAND Hà Nội đã xét xử xong sơ thẩm đại án công ty Nhật Cường mobie  với các hành vi Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong bản án tuyên phạt Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Nhật Cường) 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng) 9 năm, Nông Văn Lư (nhân viên) 7 năm, Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường) 6 năm, Bùi Quốc Việt (nhân viên) 5 năm, Trần Tất Khoa (Giám đốc Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) 6 năm, Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu) 4 năm, Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) 5 năm. Bốn lao động tự do Nguyễn Bảo Trung bị phạt 8 năm, Ngô Đức Tùng 6 năm, Phạm Văn Hiệp 7 năm và Đỗ Văn Dũng 4 năm. 12 bị cáo bị xác định phạm tội Buôn lậu.

Hình phạt như vậy có được cho là thích đáng với các bị cáo?

Trong bài viết dưới đây luật Long Việt sẽ gửi đến Quý độc giả một số quy định pháp luật và hậu quả pháp lý đối với tội danh “Buôn Lậu”!

Trước tiên ta tìm hiểu về cấu thành tội phạm của tội buôn lậu:

Thứ nhất, Về mặt chủ thể

Theo quy định điều 12 BLHS 2015: Người nào đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về mọi tội phạm, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Thứ hai, Về mặt khách quan

Đối với hành vi khách quan của người phạm tội tội buôn lậu hàng hóa là những hành vi thực hiện việc buôn bán trái phép thông qua các hình thức khác nhau như mua bán hàng hóa không được sự đồng ý của cơ quan chức năng, không có giấy phép mua bán hàng hóa phù hợp hoặc cố tình thực hiện hành vi mua bán không phù hợp với nội dung giấy phép được cấp.

Ngoài những hành vi trên thì người phạm tội còn thực hiện một số các hành vi vi phạm khác như vi phạm giá trị, số lượng hàng hóa,…để cấu thành hành vi buôn lậu.

Về yếu tố hậu quả của hành vi: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc  để cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên những hành vi vi phạm pháp luật khi mua bán vận chuyển hàng hóa không đúng với quy định của pháp luật đương nhiên gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm cho cơ quan chức năng khó kiểm soát khối lượng hàng hóa nhập vào và xuất khẩu ra; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kê khai thuế và đóng thuế cho Nhà nước.

Thứ ba, Về mặt chủ quan

Đối với người có hành vi phạm tội về tội buôn lậu phải biết rõ sự vi phạm của mình là hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách thức quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu nhưng vẫn thực hiện hành vi này với lỗi cố ý trực tiếp và mong muốn cho hậu quả xảy ra để nhằm mục đích thu lợi bất chính.

Thứ tư, Về mặt khách thể

Hành vi buôn lậu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật làm xâm phạm đến những nguyên tắc trong việc quản lý xuất khẩu,  nhập khẩu hàng hóa và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật như tiền tệ, kim khí đá quý, di vật lịch sử …; xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước.

Thứ năm, Đối tượng của tội buôn lậu

Đối tượng của hành vi phạm tội buôn lậu bao gồm hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí, đá quý, di vật, cổ vật…. Cụ thể:

– Hàng hóa là sản phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi trên thị trường. Trừ một số loại hàng hóa như: các chất ma túy, vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật,…

– Tiền Việt Nam: Đồng tiền ở đây không thực hiện chức năng trao đổi thanh toán mà là hàng hóa, là đối tượng của hành vi mua, bán.

– Ngoại tệ: Là tiền nước ngoài đang lưu hành, không phải đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành;

– Kim khí, đá quý: Là các loại kim khí, đá tự nhiên theo danh mục do Nhà nước Việt Nam ban hành.

– Di vật là vật được lưu truyền lại có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (Theo Luật di sản văn hóa 2001);

– Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại (Theo Luật di sản văn hóa).

phạm tội buôn lậu

Như vậy, đối với hành vi “buôn lậu” thì pháp luật xử lý vi phạm như thế nào?

Theo Điều 188 tại bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Khung hình phạt tội buôn lậu đối với cá nhân:

Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

– Vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng

– Hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”;

Bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm  khi phạm tội trong các trường hợp sau:

– Có tổ chức;

– Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

– Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

– Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Mức hình phạt nặng nhất đối với cá nhân có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp:

– Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Như vậy, mức phạt nặng nhất với tội buôn lậu quy định với cá nhân là phạt tù từ 12 – 20 năm. Cùng với đó, người phạm tội buôn lậu còn có thể bị áp dụng một trong các hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khung hình phạt tội buôn lậu đối với pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại phạm tội trong các trường hợp sau thì bị phạt từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng :

Thực hiện hành vi buôn lậu với:

– Giá trị vật phẩm từ 200 triệu đến dưới 300 triệu đồng;

– Giá trị vật phẩm dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật;

– Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại BLHS hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng phạm tội trong các trường hợp sau:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

– Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

– Phạm tội 02 lần trở lên;

– Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng khi Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng Hoặc Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội trong các trường hợp:

– Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

– Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng Hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm

Pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn khi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

Hình phạt bổ sung đối với pháp nhân: có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Liên hệ
icon-zalo