• 13-01-2020
  • 917 Lượt xem

Thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2018

Bước 1: Đăng ký hồ sơ thương nhân

1. Thương nhân lần đầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau đó mới được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

2. Hồ sơ thương nhân bao gồm:

  Mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền để ký đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và ký ban hành Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

  Mẫu con dấu của thương nhân;

  Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp 

  Danh mục cơ sở sản xuất hàng hóa đang được đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).

3. Hồ sơ thương nhân được khai báo qua trang điện tử của VCCI, mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được cập nhật tại trang điện tử này hoặc trường hợp không có thay đổi thì hồ sơ thương nhân vẫn phải được cập nhật 2 năm một lần.

giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Bước 2: Trình tự và thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Đối với thương nhân lần đầu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (tức là có thay đổi về định mức số lượng, trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; 

b) Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được khai hoàn chỉnh;

c) Bản in tờ khai hải quan, trừ trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật;

d) Bản sao hóa đơn thương mại;

e) Bản sao vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải tương đương trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;

f) Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi;

g) Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa được sản xuất trong nước đối với trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác;

h) Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa;

i) Trong trường hợp cần thiết, VCCI kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân hoặc yêu cầu thương nhân nộp bổ sung các chứng từ như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa (đối với trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (đối với trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ hoặc tài liệu cần thiết khác.

2. Đối với thương nhân thực hiện sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cố định (tức không thay đổi về định mức số lượng, trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên bao gồm các chứng từ theo quy định tại mục 1 trên đây.

Từ lần đề nghị tiếp theo, thương nhân chỉ cần nộp các chứng từ theo quy định từ điểm a đến điểm đ của mục 1. Các chứng nêu tại các điểm e, g và h của mục 1 có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nộp. Trong 2 năm này nếu có sự thay đổi thương nhân cập nhật thông tin liên quan cho cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

3. Trường hợp chưa có các chứng từ nêu tại điểm c và đ của mục 1, thương nhân được phép bổ sung các chứng từ này không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau thời hạn này nếu thương nhân không nộp bổ sung chứng từ,  VCCI yêu cầu thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp.

4. VCCI có quyền yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các chứng từ trong hồ để kiểm tra, đối chiếu trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ này.

5. VCCI xem xét và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Ngoài các chứng từ quy định như trường hợp thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định, thương nhân nộp thêm các chứng từ sau:

  Bản sao tờ khai hàng hóa nhập kho, xuất kho ngoại quan có xác nhận hàng đến cửa khẩu xuất của cơ quan hải quan;

  Bản sao hợp đồng hoặc văn bản có nội dung chỉ định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo Điều ước quốc tế.

6. VCCI xem xét và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng xuất khẩu, nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho ngoại quan, khu phi thuế quan và các khu vực hải quan riêng khác có quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu với nội địa trong trường hợp hàng hóa đó đáp ứng được các quy tắc xuất xứ ưu đãi hoặc quy tắc xuất xứ không ưu đãi.

Luật Sư: Lê Thảo

Liên hệ
icon-zalo