Câu hỏi: Tôi muốn mở nhà hàng chuyên bán các món ăn hải sản tại Hà Nội, nguồn hàng do người nhà tôi cung cấp từ Quảng Ninh thì cần xin những giấy phép gì, tôi cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
Trả lời:
Do câu hỏi của anh/chị không nêu rõ số lượng nhân viên, nguồn vốn cũng như nhu cầu về loại hình kinh doanh mà anh/chị mong muốn là gì nên VPLS Long Việt xin đưa ra nội dung tư vấn như sau:
1. Đăng ký kinh doanh:
Các thủ tục xin giấy phép sẽ dễ dàng hơn nếu anh/chị tiến hành đăng ký kinh doanh và dễ dàng quản lý hơn trong công tác điều hành của mình. Theo đó, căn cứ vào quy mô và vốn, anh/chị có thể lựa chọn kinh doanh nhà hàng hải sản dưới các loại hình sau: Hộ kinh doanh; Công ty cổ phần; Công ty TNHH; Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh
* Nếu là hộ kinh doanh thì hồ sơ anh/chị cần chuẩn bị bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh (Phụ lục III-2, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
* Nếu muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh thì hồ sơ anh/chị cần chuẩn bị gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp ( Mẫu theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Điều lệ doanh nghiệp (ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của sáng lập viên và người đại diện theo pháp luật của công ty ( Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/Hộ chiếu).
- Trường hợp góp vốn là tổ chức thì cần nộp kèm Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Do mặt hàng kinh doanh của anh/chị là chế biến hải sản tươi sống thành món ăn, hơn nữa hải sản là mặt hàng dễ gây dị ứng, kích ứng cho khách hàng nên phải đảm bảo cả về chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm. Vì thế anh/chị muốn kinh doanh mặt hàng này nên cần phải xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
* Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
* Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 03 năm
3. Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu
Thông thường kinh doanh nhà hàng ăn sẽ đi kèm với việc sử dụng những chất có cồn như rượu, nước ngọt. Rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên khi bán lẻ loại sản phẩm này, anh/chị phải làm thủ tục xin Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.
* Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu (01 bộ) bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ rượu theo Mẫu số 01ban hành kèm theo Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm địa điểm bán lẻ.
- Bản sao văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
* Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.”
* Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu là 05 năm.
Trên đây là nội dung VPLS Long Việt tư vấn về các giấy phép và nội dung hồ sơ cần chuẩn bị để mở nhà hàng hải sản tại Hà Nội
LIÊN HỆ LUẬT LONG VIỆT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN THEO CÁC ĐỊA CHỈ SAU
– Tầng 2 (phòng cộng đồng), tòa nhà B10A Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
– Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email: luatlongviet2@gmail.com
– Điện thoại tư vấn trực tiếp: 0914 377 437
Tư vấn viên: Nguyền Thị Thu Huyền