Trong thời đại công nghệ 4.0 thì việc kinh doanh online ngày càng có xu hướng phát triển bởi sự thuận lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Bên cạnh đó, những vấn đề pháp lý cũng như rủi ro đã xảy ra nên để thiết lập một môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước thì việc kinh doanh trên mạng xã hội cần phải tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT về quản lí website thương mại điện tử.
1, Website phải đăng ký với Bộ Công Thương
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 47/2014/TT-BCT thì các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm:
– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
– Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
– Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
2, Thủ tục đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 47/2014/TT-BCT thì thương nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức đăng nhập vào website của Bộ Công Thương để đăng ký đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống.
Doanh nghiệp, tổ chức cung cấp những thông tin sau:
– Tên thương nhân, tổ chức.
– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức.
– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động.
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức.
– Các thông tin liên hệ.
Bước 2: Trong vòng 3 ngày (tính theo ngày làm việc) Bộ Công Thương sẽ tiến hành kiểm tra và duyệt hồ sơ online, sau đó sẽ có thông báo cụ thể cho thương nhân, tổ chức với các trường hợp sau:
– Thông báo xác nhận là hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3
– Trường hợp hồ sơ còn thiếu: thương nhân, tổ chức bổ sung thông tin theo yêu cầu.
– Trường hợp bị chối việc đăng ký tài khoản: thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại.
Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.
Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:
– Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5.
– Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.
Bước 5: Sau khi nhận được thông báo như mục thương nhân, tổ chức phải gửi hồ sơ đăng ký bằng bản giấy cho Bộ Công Thương.
Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ Bộ Công Thương tiến hành xác nhận đăng ký. Trường hợp hồ sơ bản giấy gửi về không khớp với những tài liệu, thông tin đã khai báo trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống, Bộ Công Thương thông báo qua địa chỉ thư điện tử mà thương nhân, tổ chức đã đăng ký để thương nhân, tổ chức hoàn chỉnh hồ sơ. Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin đăng ký tương ứng của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
3, Mức xử phạt trong trường hợp không đăng ký website với Bộ Công Thương
Nếu cá nhân, tổ chức sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật. Tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định về vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt cụ thể liên quan đến các hành vi khai báo website như sau:
+ Cá nhân, thương nhân thực hiện hành vi vi phạm thuộc một trong những trường hợp sau thì bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
- Đối với website thương mại điện tử bán hàng: không nộp bổ sung hồ sơ khi thông báo theo quy định pháp luật; khi các thông tin liên quan đến website có sự thay đổi mà không thực hiện thông báo sửa đổi, bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử: không thực hiện bổ sung hồ sơ khi đăng ký theo quy định pháp luật; sau khi đã đăng ký mà thực hiện trình tự thủ tục hay về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website không đúng theo quy định pháp luật.
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm trong những trường hợp sau đây thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
- Nếu trong quá trình thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tạo dựng website thương mại điện tử bán hàng mà không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
- Nếu nội dung thông tin của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lúc công bố không đúng với nội dung thông tin đã được đăng ký trước đó với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:
- Không thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc tạo dựng nên website thương mại điện tử bán hàng.
- Nếu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký có sự thay đổi thông tin liên quan mà không thực hiện thủ tục khai báo sửa đổi, bổ sung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
+ Cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm trong các trường hợp sau đây thì bị áp dụng xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
- Không thực hiện hoạt động đăng ký khi tạo dựng website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
- Không thực hiện thủ tục đăng ký lại website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi tiến hành nhận chuyển nhượng lại website từ chủ sở hữu trước.
- Thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khác với nội dung hồ sơ đăng ký website.
- Khi thực hiện hoạt động đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử mà cố tình khai báo hoặc cung cấp các thông tin không đúng sự thật.
- Có hành vi giả mạo thông tin (thông tin cá nhân, thương nhân, tổ chức, thông tin liên hệ, địa chỉ hoặc trụ sở,…) khi thực hiện hoạt động đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
- Sau khi nhận được thông báo chấm dứt hoạt động đăng ký hoặc bị hủy bỏ đăng ký từ Bộ Công thương mà vẫn cố tình tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên website đó.
Nếu cá nhân, thương nhân cố tình tái phạm hoặc thực hiện vi phạm nhiều lần trong các hành vi vi phạm thuộc các trường hợp tại điểm 1, 2, 3, 4 nêu trên thì còn áp dụng xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử trong vòng thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.
Nếu cá nhân, thương nhân có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp tại điểm 2, 3, 5, 6 nêu trên thì sẽ bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi lại tên miền “.vn” hoặc địa chỉ đã được cung cấp trước đó.
Áp dụng phạt tiền với mức tiền trên là hình thức xử phạt chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với cá nhân và thương nhân là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm. Nếu các hình vi vi phạm này mà do tổ chức hoặc thương nhân là tổ chức thực hiện thì áp dụng hình thức xử phạt hành chính phạt tiền với mức tiền gấp hai lần so với cá nhân thực hiện. Còn các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả được áp dụng như nhau với cả cá nhân, thương nhân (gồm cả cá nhân hoạt động thương mại và tổ chức được thành lập hợp pháp và độc lập).
4, Hồ sơ đăng ký
Điều 14 Thông tư số 47/2014/TT-BCT đã quy định hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
– Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).
– Đề án cung cấp dịch vụ.
– Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:
+ Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
+ Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
– Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
– Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1 : Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2 : Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên : Đào Hoàng Anh