• 09-04-2021
  • 619 Lượt xem

Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội là một khái niệm vốn không còn xa lạ gì ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Doanh nghiệp xã hội đầu tiên xuất hiện ở nước Anh từ thế kỷ XVII, phát triển mạnh mẽ và trở thành phong trào rộng lớn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm “doanh nghiệp xã hội” vẫn còn xa lạ với nhiều người.

Vậy doanh nghiệp xã hội là gì? Doanh nghiệp xã hội có những đặc điểm gì? Doanh nghiệp xã hội được “ưu ái” gì hơn so với các doanh nghiệp khác? VPLS Long Việt sẽ cung cấp tới độc giả một số thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý: 

Luật doanh nghiệp 2020

Nội dung tư vấn: 

1. Doanh nghiệp xã hội là gì? 

Luật doanh nghiệp 2020 định nghĩa bằng cách đưa ra các đặc điểm, tiêu chí của một doanh nghiệp xã hội. Cụ thể theo Điều 10 Luật doanh nghiệp 2020:

“1. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;

b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.”

Từ các đặc điểm trên, VPLS Long Việt khái quát lại định nghĩa doanh nghiệp xã hội như sau: “Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của luật doanh nghiệp 2020 với mục đích vì cộng đồng, xã hội và trích ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.”

doanh nghiệp xã hội là gì

2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội? 

Theo Luật doanh nghiệp 2020 thì ngoài các quyền và nghĩa vụ chung của doanh nghiệp thì doanh nghiệp xã hội còn có thêm các quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Cụ thể theo quy định tại khoản 2, điều 10 Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ như sau:

* Quyền được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp

Các khoản viện trợ, tài trợ được tiếp nhận:

+ Viện trợ phi chính phủ nước ngoài;

+ Tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Mục đích tiếp nhận viện trợ, tài trợ:

+ Bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Ngoài ra, không được sử dụng viện trợ, tài trợ vì mục đích khác.

* Nghĩa vụ công khai cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường:

– Thời điểm thực hiện: Khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động mà có sự thay đổi cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường.

– Nội dung thực hiện bao gồm:

+ Các vấn đề xã hội, môi trường; phương thức mà doanh nghiệp dự định thực hiện nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đó;

+ Thời hạn thực hiện các hoạt động nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

+ Mức tỷ lệ phần trăm (%) lợi nhuận giữ lại hằng năm được tái đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường;

* Nghĩa vụ báo cáo tình hình hoạt động:

Trường hợp nhận ưu đãi, viện trợ, tài trợ, định kỳ hằng năm doanh nghiệp xã hội phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan quản lý viện trợ, tài trợ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp xã hội có trụ sở chính Báo cáo đánh giá tác động xã hội đối với các hoạt động doanh nghiệp đã thực hiện chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trên đây là một số thông tin mà VPLS Long Việt muốn cung cấp đến quý độc giả. Hy vọng bài viết hữu ích với quý độc giả!

Liên hệ
icon-zalo