• 18-12-2019
  • 523 Lượt xem

Điều lệ công ty và những lưu ý cần biết

Điều lệ công ty chính là bản thỏa thuận giữa những người chủ sở hữu của công ty,  là sự cam kết và ràng buộc họ trong một luật lệ chung. Điều lệ Công ty quy định các nguyên tắc về cách thức thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động và giải thể của Doanh nghiệp.

* Điều lệ có những đặc điểm sau đây:

– Điều lệ Công ty có thể được xem như là bản hiến pháp của Doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ pháp lý khi có tranh chấp xảy ra và là cơ sở để giải quyết tranh chấp và các vấn đề phát sinh của Doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty do Doanh nghiệp tự lập và nội dung Điều lệ được căn cứ theo các quy định của Luật Doanh nghiệp đồng thời không được trái với các quy định của pháp luật.

– Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ Điều lệ Công ty phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

– Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và Điều lệ sửa đổi, bổ sung trong suốt quá trình hoạt động của Doanh nghiệp.

điều lệ công ty

* Các nội dung cơ bản của Điều lệ công ty:

Theo Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, Điều lệ công ty có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của Công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);

– Ngành, nghề kinh doanh của Công ty;

– Vốn điều lệ của Công ty (riêng đối với công ty cổ phần phải có thêm tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần);

– Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh); của chủ sở hữu công ty (đối với công ty TNHH một thành viên); của thành viên công ty (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên); của cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

– Phần vốn góp  và giá trị vốn góp của mỗi thành viên (đối với công ty hợp danh và công ty TNHH hai thành viên trở lên); số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá từng loại cổ phần của cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

– Quyền và nghĩa vụ  của thành viên (đối với công ty TNHH và công ty Hợp danh); của cổ đông đối với công ty cổ phần;

– Cơ cấu tổ chức quản lý công ty;

– Người đại diện theo pháp luật (đối với công ty TNHH và công ty cổ phần);

– Thể thức thông qua quyết định của công ty và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

– Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;

– Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp (của công ty TNHH) hoặc cổ phần (của công ty cổ phần);

– Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;

– Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;

– Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ Công ty;

Ngoài các nội dung cơ bản đã được quy định ở trên, tùy theo tình hình thực tế tổ chức, quản lý và hoạt động của công ty mà Doanh nghiệp có quyền quy định, bổ sung thêm các điều khoản khác nhưng không được trái quy định của pháp luật.

* Nguyên tắc xây dựng nội dung Điều lệ công ty:

 – Điều lệ công ty phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đồng thời không được trái với các quy định pháp luật liên quan như: Luật Dân sự, Luật Thương mại; Pháp luật về thuế và kế toán,…

– Điều lệ công ty phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận.

* Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì Điều lệ công ty phải có chữ ký của:

– Các thành viên hợp danh (đối với Công ty hợp danh);

– Chủ sở hữu công ty (đối với Công ty TNHH một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân); hoặc Người đại diện theo pháp luật của Chủ sở hữu công ty (đối với Công ty TNHH một thành viên có Chủ sở hữu là tổ chức);

– Thành viên công ty (trường hợp là cá nhân); Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên);

– Cổ đông sáng lập là cá nhân; Người đại diện theo pháp luật hoặc Người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức (đối với công ty cổ phần)

* Đối với điều lệ sửa đổi, bổ sung cần có chữ ký của:

– Chủ tịch hội đồng thành viên  (đối với công ty hợp danh);

– Chủ sở hữu; Người đại diện theo pháp luật của Chủ sở hữu hoặc Người đại diện theo pháp luật (đối với công ty TNHH một thành viên);

– Người đại diện theo pháp luật (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty cổ phần)

Tư vấn viên : Nguyễn Thu Hương

Liên hệ
icon-zalo