• 25-11-2019
  • 718 Lượt xem

Đổi tên công ty và những thủ tục cần biết

Thay đổi tên công ty không đơn giản chỉ là thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh mà còn phải thay đổi cả dấu, các tải sản đăng ký sở hữu bởi công ty cũng phải thay đổi theo. Bài viết này sẽ giúp Doanh nghiệp nắm được các thủ tục về việc thay đổi tên công ty cũng như những thủ tục sau khi đổi tên.

Trước khi thực hiện thủ tục thay đổi tên với Cơ quan đăng ký kinh doanh, thì Doanh nghiệp cần xác định tên doanh nghiệp mới dự định thay đổi. Tên công ty mới dự định thay đổi phải tuân thủ theo các quy định tại Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 42 của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan. Một lưu ý nhỏ là Doanh nghiệp nên tra cứu tên mới trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi thực hiện thủ tục thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh để tránh bị từ chối hồ sơ do tên trùng, tên gây nhầm lẫn.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có Quyết định thay đổi tên, Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc thay đổi tên công ty không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp. 

I. Các thủ tục cần làm sau khi đổi tên công ty

Sau khi đã có kết quả về việc thay đổi tên công ty không có nghĩa là các thủ tục đã hoàn tất. Các thủ tục cần phải làm sau khi đổi tên gồm:

* Thay đổi con dấu:

Nội dung con dấu của doanh nghiệp thể hiện những thông tin: Tên doanh nghiệp và Mã số doanh nghiệp. Do đó khi thay đổi tên công ty đồng thời doanh nghiệp phải thay đổi con dấu pháp nhân của công ty. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo về mẫu con dấu mới với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

* Hóa đơn giá trị gia tăng (VAT): Doanh nghiệp có thể thực hiện theo cách sau:

– Cách 1: Đóng dấu mới vào hóa đơn và thông báo thay đổi mẫu hóa đơn với cơ quan thuế:

Đối với những số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết mà doanh nghiệp vẫn có nhu cầu muốn sử dụng tiếp thì thực hiện đóng dấu tên mới vào bên cạnh phần tên công ty đã in sẵn trên hóa đơn để tiếp tục sử dụng. Đồng thời, Doanh nghiệp gửi thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan quản lý thuế trực tiếp để điều chỉnh thông tin (Mẫu số 3.13, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC).

– Cách 2: Hủy toàn bộ hóa đơn cũ còn tồn và đặt in hóa đơn mới đồng thời thông báo sử dụng hóa đơn mới với cơ quan thuế.

đổi tên công ty

* Thông báo tên mới với các cơ quan liên quan:

Một trong các thủ tục doanh nghiệp phải làm sau khi đổi tên công ty là thông báo cho các cơ quan liên quan như: Ngân hàng, Bảo hiểm, các đối tác, khách hàng của công ty và các cơ quan quản lý chuyên ngành, ….

* Các tài sản đăng ký sở hữu bởi Công ty:

Sau khi thay đổi tên công ty thì các tài sản đăng ký sở hữu bởi công ty cũng phải thay đổi theo tên mới của công ty như:

– Giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (Các thủ tục được quy định tại Điều 14 Thông tư 15/2014/TT-BCA)

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Các thủ tục được quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tu 33/2017/TT-BTNMT và Khoản 3 Điều 12 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT).

Nếu còn vướng mắc hay cần tư vấn thì Doanh nghiệp hãy liên hệ trực tiếp với Văn phòng Luật sư Long Việt để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể hơn. Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của Doanh nghiệp.

Tư vấn viên : Nguyễn Thu Hương

Liên hệ
icon-zalo