• 08-11-2019
  • 601 Lượt xem

Giải đáp về quyền lợi của người lao động khi nghỉ phép

Do bị bệnh tôi xin phép lãnh đạo nghỉ 3 ngày để đi chữa bệnh, lãnh đạo đã nhất trí nhưng cuối tháng lại bị trừ lương như vậy có đúng ko?  

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Văn phòng Luật sư Long Việt. Với thắc mắc của bạn nêu trên, chúng tôi xin được giải đáp như sau: 

1. Căn cứ pháp lý

Bộ Luật lao động 2012

Luật bảo hiểm xã hội 2014

Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật lao động.

người lao động nghỉ phép năm

2. Nội dung tư vấn

♦ Thứ nhất, về trường hợp người lao động nghỉ bệnh vào ngày phép năm

Căn cứ theo quy định tại Điều 111 Bộ Luật lao động 2012 quy định về việc nghỉ phép năm thì trường hợp người lao động xin nghỉ bệnh vào ngày nghỉ phép năm sẽ được hưởng 100% lương.

Tuy nhiên trong trường hợp trên, người sử dụng lao động tự ý trừ lương của người lao động là sai và đã vi phạm pháp luật.

Việc khấu trừ tiền lương được quy định tại Điều 101 Bộ Luật lao động 2012, như sau:

“Điều 101. Khấu trừ tiền lương

  1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
  2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
  3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.”

=> Chỉ có 01 trường hợp duy nhất người sử dụng lao động được phép khấu trừ lương của người lao động. Đó là trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sừ dụng lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động;
  2. b) Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
  3. c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”

♦ Thứ hai, về trường hợp người lao động nghỉ bện vào ngày không phải phép năm

Người lao động nghỉ bệnh vào ngày không phải phép năm thì tiền lương ngày nghỉ sẽ do BHXH chi trả chứ không phải do người sử dụng lao động.

Căn cứ trả tiền lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc riêng. Điều này quy định tại Khoản 2, Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: “2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.”

Người lao động đang tham gia BHXH mà bệnh phải nghỉ việc sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định sau:

+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

+ Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

+ Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

(Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)

Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Ví dụ: Mức lương đóng BHXH tháng 8/2019 của người lao động là 5 triệu đồng/tháng. Tháng 9, người lao động nghỉ ốm đau thì lương tháng 9/2019 của người lao động  = 3,75 triệu đồng.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. (Căn cứ Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

LIÊN HỆ NGAY ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN HỖ TRỢ TRỰC TIẾP VỀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LONG VIỆT

– Văn phòng 1: Tầng 2 (Phòng cộng đồng), nhà B10A Khu đô thị Nam  Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.

Email: luatlongviet@gmail.com

– Văn phòng 2: Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội

Email: luatlongviet2@gmail.com

Hotline: 0914.377.437 / 0914.347.724 / 0913.984.083

Tư vấn viên : Lê Thị Thu Hà

Liên hệ
icon-zalo