• 28-11-2019
  • 676 Lượt xem

Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Xin chào Luật sư, cho tôi xin hỏi trường hợp, em gái tôi vừa sinh con được 5 ngày, chồng em gái tôi là người hay ghen, do nghi ngờ đứa con mới sinh này không phải là con ruột của anh ta. Do có men say trong người nên đã chửi bới, đánh đập em gái, bóp cổ đứa bé cho đến chết. Vậy, luật sư cho tôi hỏi có phải trong trường hợp này anh ta phạm tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ hay không?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luật Long Việt, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt. Chủ thể tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là người ngoài có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì còn đòi hỏi phải có thêm dấu hiệu đặc biệt khác, vì chỉ có những dấu hiệu đó thì chủ thể mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội này.

Theo quy định tại Điều 124 BLHS 2015 thì “ Người mẹ nào” được hiểu là nữ giới, là người đã sinh ra đứa trẻ trong thời gian tối đa kể từ lúc sinh là bảy ngày. Lúc này, người mẹ đang trong trạng thái, sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con. Xác định trạng này ở từng tường hợp này là một việc làm không hề đơn giản. Do vậy, các hướng dẫn, giải thích của cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này từ trước đến nay đều quy định khoảng thời gian mà người mẹ được coi là còn trong trạng thái mới sinh con là khoảng thời gian từ khi sinh cho đến ngày thứ bảy.

tội giết hoặc vứt con mới đẻ

Tâm lý học đã chỉ ra rằng sau khi sinh con phụ nữ sẽ có nhiều triệu chứng bất ổn về sức khỏe cũng như tâm lý ở nhiều cấp độ, đời sống tinh thần của phụ nữ thường có nhiều thay đổi và xáo trộn. Đặc biệt, người phụ nữ sinh con do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt như đứa con bị dị dạng, người mẹ bị trầm cảm sau sinh, không chồng mà có con, theo tư tưởng phong kiến, đây là trường hợp đại kỵ, bị dư luận xã hội lên án và sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng, tư tưởng phân biệt con trai và con gái nên đã có trường hợp người mẹ đã đẻ rất nhiều lần mà vẫn là con gái nên sau khi đứa trẻ ra đời buộc phải giết hoặc vứt bỏ đứa con do mình đẻ ra; hoặc bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là chịu ảnh hưởng của những tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về cuộc sống, lối sống hiện tại….. Những tư tưởng, những quan niệm sống này đã không còn phù hợp với ý thức xã hội đương thời, người phụ nữ mới sinh con trong trường hợp này thường dễ rơi vào các sang chấn tâm lý, thậm chí rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm sau sinh chiếm đa số.Việc một người mẹ đang tâm giết hoặc vứt bỏ đứa con mà mình mới sinh ra bản thân họ cũng chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần. Chính yếu tố này đã tạo nên chủ thể đặc biệt của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Phải là chính người phụ nữ đã sinh ra đứa trẻ không phải là bố, mẹ nuôi, bố nuôi hay một người thân thiết nào khác của đứa bé cũng không thể là chủ thể của tội này dù có thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm.

=> Như vậy, không phải mọi trường hợp người mẹ giết con mới đẻ đều truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 124 BLSH mà đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ.

Ví dụ: Vụ án vứt con 7 ngày tuổi xuống giếng tại Quỳ Hợp, Nghệ An. Theo cáo trạng của VKS nhân dân huyện Quỳ Hơp, tỉnh Nghệ An, tối 22/3, Đạt đưa vợ là chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1996) cùng con (7 ngày tuổi) từ bệnh viện về. Sau khi ăn cơm, Đạt vào phòng mặc áo để đi mua thuốc thì phát hiện tờ tiền 500 nghìn trong túi không còn. Nghi vợ lấy tiền, Đạt gặng hỏi chị Hồng nhiều lần rồi cả 2 xảy ra cãi vã. Đạt dùng tay đánh vợ ngã xuống góc sân, trước cửa nhà bếp.Do bức xúc việc bị mất tiền và nghi ngờ không phải là con ruột của mình, Đạt vào phòng ngủ bế đứa con đang khóc thả xuống giếng nước sau nhà. Phát hiện sự việc, người thân trong gia đình cùng hàng xóm vớt lên, tuy nhiên bé đã tử vong. TAND tỉnh Nghệ An sáng nay mở phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử bị cáo Trương Văn Đạt (SN 1997, trú tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp) về tội Giết người.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, ngoài hành vi khách quan  thì người phạm tội phải là người mẹ chứ không phải là bố của nạn nhân. Trong vụ án nêu trên người trực tiếp thực hiện hành vi không phải là người mẹ mà là bố của nạn nhân. Mặt khác, không phải mọi trường hợp cứ là mẹ của nạn nhân thực hiện hành vi nêu trên cấu thành tội phạm này mà pháp luật còn đòi hỏi chủ thể tội phạm không phải là mẹ nuôi mà chính là người mẹ trực tiếp sinh ra nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng lạc hậu.

Điều 124 BLHS về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là tội danh duy nhất trong Bộ Luật Hình Sự Việt Nam có chủ thể đặc biệt  là nữ giới và là mẹ đẻ của nạn nhân. Với tất cả các chủ thể khác dù có quan hệ ruột thịt, thỏa mãn mặt khách quan của điều 124 cũng không phải là chủ thể của tội này mà sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 BLHS năm 2015

Việc quy định chủ thể của tội giết con mới đẻ chỉ có thể là mẹ của đứa trẻ thể hiện rõ tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách pháp luật của nước ta. Mặc dù cũng là tội giết người, nhưng các nhà làm luật đã xét đến yếu tố tâm lý của người phụ nữ sau khi sinh để có những hình phạt phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Long Việt, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ về pháp lý xin vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến 

Trân Trọng

Tư vấn viên : Khuất Thị Quỳnh

Liên hệ
icon-zalo