1. Xin hỏi Luật sư, sắp tới tôi dự định góp vốn cùng bạn mình để thành lập công ty cổ phần. Tôi dự định sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng mảnh đất của mình có diện tích 1000m2. Tôi muốn được luật sư tư vấn về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và cần lưu ý gì khi góp vốn không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Văn phòng luật sư Long Việt. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Do đó bạn hoàn toàn có thể dùng quyền sử dụng đất của mình để thực hiện việc góp vốn vào việc thành lập công ty.
Một số lưu ý khi thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà bạn cần quan tâm:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 bạn cần phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật và việc chuyển quyền sử dụng đất này không phải chịu lệ phí trước bạ.
Thứ hai, tiến hành định giá tài sản góp vốn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020. Việc định giá phải được các cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao
Như vậy, về nguyên tắc thì các thành viên được quyền định giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc định giá đó. Tuy nhiên cần lưu ý rằng việc định giá nên thực hiện theo đúng với giá trị của tài sản tại thời điểm đó để tránh rủi ro sau này.
2. Hiện nay, công ty tôi mới được thành lập. Tuy nhiên tôi còn chưa hiểu rõ về vấn đề vốn góp và vốn điều lệ để tiến hành làm thủ tục này cho công ty. Rất mong luật sư có thể giải đáp: Vốn góp và vốn điều lệ có liên quan gì đến nhau không? Sự khác nhau cơ bản là gì? Việc góp vốn trong công ty tôi (công ty TNHH 2 thành viên) thủ tục như thế nào? Cảm ơn luật sư nhiều.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Văn phòng luật sư Long Việt. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, câu hỏi về vốn điều lệ và vốn góp có liên quan gì đến nhau không? Và sự khác nhau giữa hai khái niệm. Chúng tôi xin được giải đáp cho bạn như sau:
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.”
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.”
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 27 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.”
Có thể hiểu rằng, vốn điều lệ là tổng số vốn mà các thành viên công ty cam kết góp vào công ty và được ghi vào trong Điều lệ của công ty. Vốn góp là thể hiện việc góp vốn vào công ty, số lần góp vốn đó có thể 1 lần hoặc nhiều lần miễn sao là trong thời hạn pháp luật cho phép và đúng như cam kết góp vốn vào công ty và chính là góp vốn điều lệ.
Thứ hai, về thủ tục góp vốn thành lập công ty TNHH:
Các thành viên đã cam kết góp vốn phải góp vốn cho công ty đủ và đúng với loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Việc góp vốn của các thành viên được thể hiện cụ thể trong giấy chứng nhận phần vốn góp sẽ tại Khoản 6 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Vốn điều lệ của công ty;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
- Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
- Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty
3. Thưa luật sư! Tôi muốn hỏi về vấn đề chịu trách nhiệm tài sản trong công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Văn phòng luật sư Long Việt. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020 thì:
Các thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên phải góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 47 của Luật này. Đó là trường hợp:
- Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
- Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
Đối với công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này. (theo quy định tại Khoản 4 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020).
Ngoài ra, chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn (theo Khoản 6 Điều 77 Luật Doanh nghiệp 2020)
4. Tôi hiện tại đang là thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên và đang có nhu cầu muốn chuyển nhượng lại một phần vốn góp của mình tại công ty thì tôi cần làm như thế nào? Mong được luật sư giải đáp.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Văn phòng luật sư Long Việt. Về câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 cụ thể như sau:
“1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a) Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trongcông ty vớicùng điều kiện chào bán;
b) Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy địnhtại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trongthời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.
2. Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
3. Trường hợp chuyển nhượng hoặc thay đổi phần vốn góp của các thành viên dẫn đến chỉ còn một thành viên công ty thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.”
Như vậy, nếu bạn thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 51 là trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì bạn có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty. Và trường hợp tại Khoản 7 Điều 53 là trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai hình thức sau đây: trở thành thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận; chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 52 của Luật này.
Ngoài hai trường hợp như trên, thì việc bạn phải thực hiện việc chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ với cùng điều kiện chào bán. Nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán thì bạn được phép chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty với cùng điều kiện chào bán với các thành viên công ty.
Quyền và nghĩa vụ: bạn vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 48 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.