• 25-03-2020
  • 519 Lượt xem

Một số lưu ý khi thành lập chi nhánh

1/ Ngành nghề của chi nhánh phải đúng với với ngành nghề của doanh nghiệp:

– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Chi nhánh chỉ được đăng ký các ngành, nghề kinh doanh theo đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

– Nếu Chi nhánh muốn đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà Doanh nghiệp chưa có thì Doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành, nghề sau đó Chi nhánh mới có thể đăng ký được.

một số lưu ý khi thành lập chi nhánh

2/ Khi hoạt động Chi nhánh phải khai các loại thuế sau:

2.1. Khai, nộp lệ phí môn bài:

– Chi nhánh phải khai lệ phí môn bài một lần khi mới bắt đầu hoạt động và chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Mức lệ phí môn bài đối với chi nhánh là 1.000.000 đồng/1 năm (Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC)

2.2. Khai thuế Giá trị gia tăng:

– Trường hợp Chi nhánh có địa chỉ trụ sở cùng tỉnh, thành phố với địa chỉ trụ sở chính của Doanh nghiệp thì thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung với Doanh nghiệp.

– Trường hợp địa chỉ trụ sở của Chi nhánh ở khác tỉnh, thành phố với địa chỉ trụ sở chính của Doanh nghiệp thì Chi nhánh nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Chi nhánh.

– Nếu Chi nhánh không phát sinh doanh thu, không trực tiếp kinh doanh, bán hàng thì kê khai thuế giá  trị gia tăng chung với Doanh nghiệp.

2.3. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp:

– Trong trường hợp Chi nhánh hạch toán độc lập thì nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại chi nhánh cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp của Chi nhánh.

– Trong trường hợp Chi nhánh hạch toán phụ thuộc, thì Chi nhánh không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thuế phát sinh tại Chi nhánh.

2.4. Khai thuế thu nhập cá nhân:

– Trong trường hợp Chi nhánh trực tiếp ký hợp đồng lao động với Người lao động, có thỏa thuận để Doanh nghiệp trả lương hộ Chi nhánh và đăng ký giảm trừ gia cảnh tại chi nhánh thì Chi nhánh phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho Người lao động tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh.

– Trong trường hợp Người lao động ký hợp đồng lao động trực tiếp, đăng ký giảm trừ gia cảnh với Doanh nghiệp và được Doanh nghiệp trả lương nhưng được cử đến làm việc tại Chi nhánh thì Doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân cho Người lao động tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Doanh nghiệp.

3/ Chi nhánh có thể ký kết hợp đồng nhưng phải thuộc phạm vi ủy quyền của Doanh nghiệp:

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2014 và Khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 thì Chi nhánh có thể giao kết các loại hợp đồng nhằm phục vụ hoạt động của Chi nhánh, nhưng nội dung giao kết phải thuộc phạm vi ủy quyền của Doanh nghiệp và việc ủy quyền này nên thể hiện bằng văn bản.

Tư vấn viên: Nguyễn Thu Hương

Liên hệ
icon-zalo