• 07-04-2020
  • 581 Lượt xem

Một số lưu ý pháp lý trước khi đầu tư ra nước ngoài

Đầu tư  ra nước ngoài được hiểu  việc nhà đầu tư chuyển vốn để thành lập cơ sở kinh doanh mới hoặc mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh hoặc xác lập các quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam đồng thời tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó.

Nhà nước luôn khuyến khích nhà đầu tư Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác kinh doanh và phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng giao thương và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, bổ sung nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến các chính sách pháp lý của Việt Nam và nước sở tại để hoạt động đầu tư được thuận lợi, nhanh chóng và phù hợp với quy định.

VPLS Long Việt giới thiệu một số nội dung chính mà nhà đầu tư cần quan tâm trước khi quyết định thực hiện các thủ tục để đầu tư ra nước ngoài:

1. Về nguyên tắc đầu tư:

  • Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
  • Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật đầu tư, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

lưu ý khi đầu tư ra nước ngoài

2. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài

  • Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
  • Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
  • Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
  • Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
  • Và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

3. Về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài

  • Nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn và huy động các nguồn vốn để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
  • Việc vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển vốn đầu tư bằng ngoại tệ phải tuân thủ điều kiện và thủ tục theo quy định của pháp luật về ngân hàng, về các tổ chức tín dụng, về quản lý ngoại hối.

4. Việc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài

Giao dịch chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua một tài khoản vốn riêng mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

5. Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư;
  • Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 63 của Luật Đầu tư.

Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.

6. Việc chuyển lợi nhuận về nước

Trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.

Trong thời hạn quy định mà chưa chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam, nhà đầu tư phải có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 06 tháng và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản.

7. Trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài

Nhà đầu tư sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư ở nước ngoài để tăng vốn, mở rộng hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp dùng lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho dự án đầu tư đó và phải đăng ký tài khoản vốn, tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LONG VIỆT

Địa chỉ:

  • Tầng 1, tòa nhà B10A Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
  • Điện thoại tư vấn trực tiếp: 0914 377 437
  • Email: luatlongviet@gmail.com

Luật sư : Lê Thảo

Liên hệ
icon-zalo