• 13-04-2020
  • 750 Lượt xem

Quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động mới nhất

Theo quy định của pháp luật thì tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là việc tạm dừng thực hiện hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian nhất định do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) tự thoả thuận với nhau. Vậy bảo hiểm xã hội người lao động đóng thế nào khi tạm hoãn hợp đồng lao động? Tạm hoãn hợp đồng được quy định cụ thể thế nào? 

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2012; 
  • Nghị định 05/2015/NĐ-CP Nghị định hướng dẫn Luật lao động;
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Quyết định 595/QĐ-BHXH Quyết định ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

tạm hoãn hợp đồng lao động

2. Luật sư tư vấn

– Tạm hoãn hợp đồng lao động ít nhiều sẽ tác động cũng như ảnh hưởng đến quan hệ lao động của các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Theo đó tại điều 32 Bộ luật Lao động 2012 quy định các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động: 

“Điều 32. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

  1. Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự.
  2. Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
  3. Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
  4. Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
  5. Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận.” 

– Đối với các trường hợp bị tạm giam tạm giữ thì người lao động sẽ bị quản thúc bởi các cơ quan chức năng nên không thể thực hiện hợp đồng lao động với người sử dụng lao động được hay trường hợp người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc. 

– Trường hợp người lao động đi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời gian làm việc sẽ được tạm hoãn hợp đồng lao động mà không phải chấm dứt hợp đồng, quy định này đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đang thực hiện hợp đồng lao động nhưng vẫn thực hiện được nghĩa vụ với đất nước. 

– Theo quy định tại điều 156 Bộ luật Lao động 2012 thì lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi thì sẽ có quyền tạm hoãn hợp đồng lao động. 

– Điều 9 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động và người lao động trong công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty TNHH 1 thành viên do công ty mẹ Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con làm chủ sở hữu thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây: 

+ Người lao động được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, kế toán trưởng.

+ Người lao động được cấp có thẩm quyền cử làm người đại diện phần vốn và làm việc tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước hoặc công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ -công ty con.

– Theo quy định trên thì hợp đồng lao động giữa NLĐ và NSDLĐ sẽ đương nhiên tạm hoãn thực hiện mà không phụ thuộc vào ý chí của NSDLĐ, việc tạm hoãn hợp đồng theo quy định này sẽ không bị huỷ bỏ hay mất hiệu lực hợp đồng cho đến khi hết thời hạn tạm hoãn theo pháp luật quy định hoặc hết thời hạn do hai bên thoả thuận. Hết thời hạn tạm hoãn thì NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc. Việc giải quyết hậu quả sẽ được giải quyết theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012. 

– Theo khoản 4 điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: 

“4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.”

– Theo khoản 7 điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH cũng quy định thêm trong trường hợp NLĐ bị tạm giam, tạm giữ hoặc bị đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật như sau: 

“7. Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.”

– Như vậy, doanh nghiệp không phải trả lương cho người lao động trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, vì vậy doanh nghiệp đồng thời không phải chi trả bảo hiểm cho NLĐ trong khoảng thời gian này. 

– Trong trường hợp NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì NLĐ và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTHTNLĐ, BNN nhưng đồng thời vẫn phải đóng BHYT hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà NLĐ được hưởng theo quy định của Quyết định 595/QĐ-BHXH.

LIÊN HỆ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LONG VIỆT

Địa chỉ: 

  • Tầng 1, tòa nhà B10A Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 
  • Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
  • Điện thoại tư vấn trực tiếp: 0914 377 437 
  • Email: luatlongviet@gmail.com 

Tư vấn viên : Đào Hoàng Anh

Liên hệ
icon-zalo