Tai nạn lao động trong suốt quãng thời gian trở lại đây luôn là vấn đề không chỉ người lao động quan tâm mà còn rất nhiều người quan ngại vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng cũng như sự an toàn của cộng đồng. Trong bài viết này đội ngũ chuyên gia tư vấn Luật Long Việt sẽ giải thích kĩ hơn trường hợp nào sẽ được coi là tai nạn lao động cũng như trường hợp nào không được coi là tai nạn lao động.
Theo quy định tại điều 142 Bộ luật lao động 2012 về tai nạn lao động như sau:
“Điều 142. Tai nạn lao động
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Quy định này được áp dụng đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc.
2. Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo.
3. Tất cả các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố nghiêm trọng tại nơi làm việc đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của Chính phủ.”
Các vấn đề bất ngờ xảy ra trong quá trình người lao động (áp dụng cả người học nghề, tập nghề và thử việc) dẫn đến tai nạn liên quan đến công việc, tai nạn giao thông trong quá trình di chuyển, tai nạn trong quá trình vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng hay ngã từ trên cao trong thời gian làm việc leo trèo hay có độ cao nguy hiểm ,…
Tiếp đó cũng tại điều 12 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định một số điều của Bộ luật lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, an toàn lao động và vệ sinh lao động như sau:
“Điều 12. Tai nạn lao động và sự cố nghiêm trọng
1. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tấm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, chuẩn bị và kết thúc công việc tại nơi làm việc.
2. Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý khi người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở.
3. Tai nạn lao động được phân loại như sau:
a) Tai nạn lao động chết người;
b) Tai nạn lao động nặng;
c) Tai nạn lao động nhẹ.
4. Sự cố nghiêm trọng là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động (không bao gồm tai nạn lao động) gây thiệt hại lớn về tài sản của người lao động, người sử dụng lao động”
Câu hỏi được đặt ra thêm ở đây rằng tai nạn lao động có bao gồm tất cả những tai nạn giao thông hay không? Thực tế hiện nay cho thấy người lao động trên được từ nhà đến nơi làm việc còn kết hợp với việc đưa con đi học, đi chợ, thăm người thân… việc này rất khó kiểm soát, nếu xảy ra tai nạn thì có được coi là tai nạn lao động hay không? Hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ người bị tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động như thế nào để phù hợp với quỹ bảo hiểm xã hội, chi trả trợ cấp đúng người, đúng vụ việc và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tai nạn lao động gắn liền với công việc, nhiệm vụ lao động: cách hiểu khác nhau về nội dung này chủ yếu tập trung vào những nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động như uống rượu say, đánh nhau, … những tai nạn đó có được coi là tai nạn lao động hay không? Sở dĩ có những ý kiến khác nhau về nội dung của tai nạn lao động là do khái niệm tai nạn lao động trong bộ luật lao động chưa thể hiện rõ hai nội dung được hiểu khác nhau này. Đối với nước ta hiện nay, vì chưa có văn bản nào quy định rõ các tai nạn được coi là tai nạn lao động nên hầu hết các trường hợp bị tai nạn lao động đều được hưởng trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Về điều kiện được coi là tai nạn lao động thì không phải bất cứ trường hợp nào khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng cũng đều được coi là tai nạn lao động, trong một số trường hợp người lao động gian dối nhằm trục lợi từ trợ cấp bảo hiểm xã hội. Do đó, quy định pháp luật đã quy định về những điều kiện để đáp ứng được coi là tai nạn lao động như sau:
– Tai nạn xảy ra tại nơi làm việc hay xảy ra trong thời gian người lao động đang làm việc, thì sẽ được công nhận là tai nạn lao động. Trong một số trường hợp khác như khi người lao động đang thực hiện các hoạt động thao tác liên quan đến sửa chữa, thực hiện hoạt động vận hành máy móc ở trong các khung giờ không phải giờ làm việc như đang tan ca trưa, tan ca tối.
– Tai nạn xảy ra không tại nơi làm việc nhưng người lao động được người sử dụng lao động yêu cầu thực hiện bằng văn bản, giấy tờ ủy quyền.
– Tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng xảy ra nhưng không nằm trong khung giờ làm việc của người lao động, tuy nhiên công việc đó do người sử dụng lao động giao cho người lao động để thực hiện hoặc công việc đó đang được thực hiện dở dang từ trong khung giờ làm việc đến khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố nghiêm trọng thì đã quá giờ làm việc.
– Tai nạn lao động trong trường hợp là tai nạn giao thông nhưng xảy ra trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về đến nhà, tuy nhiên cần phải đáp ứng yêu cầu là tai nạn đó xảy ra trong quá trình hợp lý, tức là tai nạn đó ngoài việc xảy ra trên tuyến đường hợp lý còn phải đáp ứng trong khoảng thời gian hợp lệ thì mới được công nhận là tai nạn lao động và được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Bên cạnh đó thì theo quy định tại điều 57 Bộ luật lao động 2012 người lao động còn phải có hồ sơ để hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
“1. Sổ bảo hiểm xã hội.
3. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.
4. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”
Quyền lợi của người lao động được công nhận bị tai nạn lao động thì sẽ có các chế độ để họ được hưởng như theo quy định tại điều 145 Bộ luật lao động 2012:
1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.
3. Người lao động bị tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.”
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1 : Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2 : Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên: Đào Hoàng Anh