Nhận cha, mẹ, con là quyền của mỗi công dân. Khi một cá nhân muốn nhận cha, mẹ hoặc con thì cần tham khảo những hướng dẫn thủ tục nhận cha, mẹ, con mới nhất sau đây:
Theo Mục 2 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 88. Xác định cha, mẹ
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân ược coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Như vậy, ngoài các trường hợp nêu trên mà các cá nhân muốn xác định một người nào đó làm con đẻ thì thực hiện các thủ tục sau:
Thứ nhất, Về thẩm quyền giải quyết
Theo quy định tại điều 101 luật HN&GĐ 2014 như sau:
“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Đối với trường hợp không có tranh chấp thì thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ cho con thuộc UBND tại địa phương quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3; điểm a khoản 1 Điều 7; Điều 24 Luật hộ tịch năm 2014 thì thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con là công dân cư trú ở trong nước do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Đối với trường hợp có tranh chấp, người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết hoặc người có yêu cầu xác định là cha, mẹ, con chết thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân tại nơi người có yêu cầu giải quyết quy định cụ thể tại khoản 4 điều 28, khoản 10 điều 29 và điểm t khoản 2 điều 39 BLTTDS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Thứ hai, Quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con
Đối với trường hợp không tranh chấp thì cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình.
Đối với trường hợp có tranh chấp, người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết hoặc người có yêu cầu xác định là cha, mẹ, con chết thì
“Theo quy định tại Điều 89 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình”.
Thứ ba, Trình tự, thủ tục xác định cha, mẹ, con
Đối với trường hợp không tranh chấp:
Người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện có thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết trong trường hợp người thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con là:
+ Công dân Việt Nam với người nước ngoài
+ Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài
+ Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau
+ Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài
+ Người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
Hồ sơ bao gồm:
+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.
+ CMND/ CCCD hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con
+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Hoặc Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có văn bản cam đoan của các bên nhận cha, mẹ, con về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/ huyện. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/ huyện đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, hướng dẫn người yêu cầu kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con và Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, cùng các bên ký vào Sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã/huyện ký cấp Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.
Đối với trường hợp có tranh chấp hoặc người yêu cầu hoặc được yêu cầu là cha, mẹ, con đã chết:
Người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con buộc phải làm hồ sơ khởi kiện yêu cầu tòa án xác nhận cha, mẹ, con tới Tòa án có thẩm quyền.
Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha, mẹ con;
+ CMND, sổ hộ khẩu của các bên;
+ Giấy tờ chứng minh rằng giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu có quan hệ cha, mẹ, con.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ thực hiện thủ tục tố tụng theo BLTTDS 2015 và đưa ra quyết định. Quyết định của Tòa án sẽ là căn cứ để thực hiện đăng ký, sửa đổi, bổ sung hộ tịch theo đúng sự thật khách quan.