• 30-12-2019
  • 909 Lượt xem

Vai trò của quản trị công ty trong huy động vốn góp

VPLS Long Việt xin được giới thiệu đến quý khách hàng các nội dung tư vấn liên quan đến quản trị công ty, vai trò của quản trị công ty tốt đối với việc huy động vốn của công ty cổ phần.

1. Khái niệm quản trị công ty

Quản trị công ty là hệ thống các thiết chế, chính sách, quy định nhằm định hướng sự phát triển, vận hành và kiểm soát công ty cổ phần. Quản trị công ty cũng bao gồm các mối quan hệ giữa nhiều bên trong nội bộ công ty cổ phần như các cổ đông, ban giám đốc điều hành, HĐQT  và những bên có lợi ích liên quan bên ngoài công ty như: cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác kinh doanh và cả môi trường, cộng đồng và xã hội.

2. Vai trò của quản trị công ty tốt đối với việc huy động vốn của công ty cổ phần

Trong thế giới hiện nay, không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của công tác quản trị trong việc bảo đảm sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân thất bại của hoạt động kinh doanh đó là do quản trị yếu kém,  không có khả năng huy động vốn để phát triển hoạt động kinh doanh của công ty.

Hiện nay, Việt Nam là một nước đang trên đà phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Để có thể có thể phát triển , đứng vững trên thị trường và cạnh tranh một cách lành mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài cũng như hội nhập kinh tế quốc tế thì việc công ty có một hệ thống quản trị công ty tốt là một điều quan trọng, mang lại nhiều lợi thế đặc biệt trong việc huy động vốn cho công ty.

Thu hút và huy động vốn là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc huy động vốn diễn ra khi doanh nghiệp đang  mong muốn có đủ năng lực tài chính để nắm bắt các cơ hội phát triển kinh doanh tiềm năng có nhu cầu vốn lớn vượt quá nguồn vốn mà doanh nghiệp hiện có. Huy động vốn bên ngoài là một chiến lược vốn mà nhiều doanh nghiệp sử dụng nhưng nó ảnh hưởng lớn đến mức độ rủi ro và tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp. Đòn bẩy tài chính này sẽ  đem lại lợi nhuận và tăng trưởng tốt trong trường hợp doanh nghiệp có các chính sách quản trị rủi ro tốt. Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính này có thể là một quyết định rủi ro ngoài tầm kiểm soát nếu thiếu một chính sách quản trị rủi ro và một tầm nhìn tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp

Để việc huy động vốn của công ty cổ phần không xảy ra rủi ro, gây thiệt hại cho công ty thì công ty cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị công ty có vai trò kiểm soát, giám sát đảm bảo việc thực hiện các quyết định đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng được cân nhắc khi thị trường quyết định cấp vốn cho doanh nghiệp.

vai trò của công ty trong huy động vốn

Để quản trị tốt công ty thì công ty cổ phần cần phải thực hiện các công việc của mình:

– Thứ nhất: Xem xét, đánh giá lại các yếu tố về chức năng, nhiệm vụ của HĐQT. Quy định rõ ràng chức năng của HĐQT và phân biệt với Ban lãnh đạo doanh nghiệp. HĐQT quyết định các định hướng, kế hoạch, chiến lược và giao Ban lãnh đạo thực thi, giám sát hoạt động của Ban lãnh đạo theo đúng định hướng vạch ra;

 – Thứ hai: Xác định rõ cơ cấu các thành viên HĐQT cho phù hợp với mô hình công ty, đảm bảo đúng quy định về số lượng, tỷ lệ thành viên của HĐQT độc lập. Bên cạnh đó, công ty cần xem xét lựa chọn, bầu thành viên HĐQT có năng lực phù hợp cho hoạt động của công ty;

– Thứ ba: Thành lập các ủy ban/ ban chuyên trách của HĐQT. Các ban này sẽ hỗ trợ cho hoạt động của HĐQT hiệu quả hơn, có các ban ví dụ như: ban kiểm toán, ban nhân sự và lương thưởng, và các ban khác theo đặc thù hoạt động của công ty.

– Thứ tư: Phải có quy trình và tiêu chí để đánh giá hoạt động của thành viên HĐQT để từ đó xem xét hiệu quả hoạt động của thành viên HĐQT và có những điều chỉnh phù hợp với tình hình của công ty. Xác định các vấn đề còn tồn tại của công ty để kịp thời giải quyết, ưu tiên những mục tiêu phù hợp với hoạt động và những nhu cầu cần thiết của công ty. Thiết lập ra mục tiêu và đưa ra kế hoạch, thời gian cụ thể để công ty đạt được những mục tiêu, kế hoạch đó. Bên cạnh đó, cần xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm cho việc thực hiện và đạt từng mục tiêu và đưa ra mức thưởng phù hợp khi hoàn thành mục tiêu tốt.

– Thứ năm: Thường xuyên xem xét các tiêu chí đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp như:  mức độ độc lập tài chính, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, hiệu quả hoạt động, hiệu quả phương án vay vốn và phân phối lợi nhuận… của doanh nghiệp. Để tiếp cận được nguồn vốn vay, các tiêu chỉ  tài chính nêu trên phải đạt tối thiểu ở mức an toàn theo quy định. Khi hoạt động tài chính của doanh nghiệp được công khai, minh bạch, không chỉ giúp các tổ chức tín dụng giảm thời gian thẩm định năng lực tài chính của khách hàng, việc ra quyết định cho vay hay không cho vay nhanh hơn, mà còn giúp doanh nghiệp sớm nhận ra các rủi ro tiềm ẩn từ đó để có biện pháp xử lý rủi ro hiệu quả. Tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp được thể hiện ở chỗ: minh bạch các hoạt động, báo cáo tài chính, có thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong  việc cung cấp các thông tin cần thiết, cơ cấu lại các khoản nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, chủ động tăng hiểu biết về tài chính – tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ.

– Thứ sáu: Đảm bảo được định hướng chiến lược của công ty, giám sát có hiệu quả công tác quản trị của HĐQT  và trách nhiệm của HĐQT với công ty và các cổ đông.

Như vậy, một công ty muốn huy động vốn hiệu quả thì phải thực hiện tốt các công việc nêu trên bởi vì nó là nền tảng thể hiện một công ty có một hệ thống quản trị tốt

– Khi các tổ chức tín dung, các nhà đầu tư muốn cho doanh nghiệp vay tiền hay đầu tư vào doanh nghiệp thì trước hết sẽ  xem xét báo cáo tài chính của công ty để đánh giá năng lực tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không trước khi quyết định đầu tư.

– Khi đầu tư các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hoạt động quản trị công ty ở các mặt như: năng lực quản lý công ty, tính hiệu quả của các kế hoạch, tính công khai minh bạch về tài chính của công ty,, thành phần HĐQT và ban điều hành và những thông tin liên quan tới giao dịch của ban lãnh đạo, người nội bộ và liên quan của công ty.

– Ngoài ra, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới các thông tin về các biện pháp bảo vệ cổ đông thiểu số, ví dụ như quyền bỏ phiếu biểu quyết hoặc các quyền có liên quan đến những thay đổi trong việc kiểm soát công ty. Để xem xét công ty có đảm bảo tính công bằng và quyền lợi của các cổ đông thiểu số hay không.

Như vậy, quản trị tốt công ty giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn: Cách thức quản trị công ty quyết định việc công ty dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ít hay nhiều. Bởi vì dựa vào cách thức quản trị, tính minh bạch, công khai các hoạt động của công ty sẽ tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư khi xem xét đầu tư vào doanh nghiệp.

LIÊN HỆ LUẬT LONG VIỆT ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN THEO CÁC ĐỊA CHỈ SAU : 

Tầng 2 (phòng cộng đồng), tòa nhà B10A Nam Trung Yên, đường Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Email : luatlongviet@gmail.com

Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.

Email: luatlongviet2@gmail.com

Điện thoại tư  vấn trực tiếp: 0914 377 437 – 0914 347 724 – 0913 984 083

Luật Sư : Lê Thảo

Liên hệ
icon-zalo