• 10-12-2019
  • 1216 Lượt xem

Con riêng, bố dượng, mẹ kế có được thừa kế thế vị theo quy định không?

Trong quan hệ thừa kế thế vị, di sản được dịch chuyển từ người để lại di sản đến người thụ hưởng trải qua 04 thế hệ, từ các cụ đến chắt. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”  Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản nhất, thừa kế thế vị là “thay thế để hưởng thừa kế”

Tìm hiểu rõ hơn về thừa kế thế vị

Theo Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này”. Hơn nữa tại Điều 74, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định “ 1.Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 69, 71 và 72 của Luật này. 2. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này”.

quan hệ thừa kế thế vị

Như vậy, theo quy định của pháp luật, con riêng, bố dượng, mẹ kế có được thừa kế thế vị nhau. Để xác định được giữa con riêng, bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế thế vị của nhau không ta phải xét trên mối quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Chỉ khi nào giữa họ có mối quan hệ như cha – con, mẹ –  con thì mới được quyền thừa kế thế vị của nhau.

Có thể thấy, xuất phát từ việc khuyến khích mọi người trong gia đình quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc có trách nhiệm lẫn nhau, quy định này phù hợp với văn hóa sống và truyền thống tốt đẹp của nước ta. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng của bố dượng – con riêng, mẹ kế  – con riêng và ngược lại không đã được ghi nhận bằng nghĩa vụ pháp lý. Việc bố dượng, mẹ kế thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục với con riêng như đối với con ruột của mình thì theo quy định của pháp luật, họ thuộc diện thừa kế theo pháp luật của nhau.  

Tuy nhiên, để xác định nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục hay không? Có mang tính thường xuyên hay ở trên mức độ như thế nào thì được coi là có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc thì khá là khó khăn. Ví dụ đối với trưởng hợp con riêng không còn ở với bố dượng, mẹ kế một năm có đến thăm bố dượng, mẹ kế khoảng 20 lần do làm ăn xa, nhưng không gửi tiền chu cấp hàng tháng.  Như vậy có được coi là chăm sóc nuôi dưỡng hay không? Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này.

Tư vấn viên : Khuất Thị Quỳnh

Liên hệ
icon-zalo