• 20-12-2019
  • 645 Lượt xem

Những lưu ý về hộ kinh doanh bạn cần biết

Những cá nhân hoặc hộ gia đình có ý định kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh nhưng lại chưa nắm rõ hết các quy định của pháp luật. Dưới đây là một số lưu ý của VPLS Long Việt đưa ra nhằm giúp các bạn có ý định kinh doanh mô hình này có thể nắm được các thủ tục cũng như quy định đối vối Hộ kinh doanh.

* Những người được phép đăng ký Hộ kinh doanh:

– Cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự;

– Một nhóm cá nhân, có đủ điều kiện như ở trên;

– Hộ gia đình;

* Những hoạt động kinh doanh nào mới phải đăng ký Hộ kinh doanh:

– Tất cả các hoạt động đều phải đăng ký kinh doanh, chỉ trừ các hoạt động sau:

+ Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

+ Bán hàng rong, quà vặt;

+ Buôn chuyến;

+ Kinh doanh lưu động;

+ Làm dịch vụ có thu nhập thấp (Mức thu nhập dưới 100 triệu đồng/1 năm)

+ Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

những lưu ý về hộ kinh doanh

* Hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình như thế nào?

– Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký hoạt động tại 1 địa điểm cụ thể và sử dụng dưới 10 lao động;

–  Địa điểm đăng ký hộ kinh doanh không nhất thiết phải là địa chỉ nơi đang ở, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh.

– Đối với những hộ kinh doanh buôn chuyến và Hộ kinh doanh lưu động thì vẫn phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký. Tuy nhiên, những hộ kinh doanh này có thể hoạt động kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký nhưng phải thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.

– Trong trường hợp Hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên thì phải thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014.

Xem thêm >>> Mẫu thông báo thay đổi hộ kinh doanh

* Một số lưu ý khác:

– Mỗi cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký thành lập 1 hộ kinh doanh tại 1 địa điểm trong phạm vi toàn quốc;

– Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh.  Cá nhân thành lập hoặc tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân;

– Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc hộ gia đình phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh;

– Cá nhân thành lập hộ kinh doanh có quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

– Những loại thuế, phí, lệ phí mà hộ kinh doanh phải nộp:

+ Lệ phí môn bài, có 3 mức thu như sau:

Doanh thu Lệ phí
Trên 500 triệu đồng/năm 1 triệu đồng/ năm
Trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng / năm 500.000 đồng/năm
Trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ năm 300.000 đồng/năm

 + Thuế giá trị gia tăng: Đối với hộ kinh doanh có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/ 1 năm phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định. Những hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/1 năm trở xuống thì không thuộc đối tượng phải nộp thuế GTGT.

+ Thuế thu nhập cá nhân: Hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng /năm trở xuống thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp có doanh thu từ 100 triệu đồng /1 năm trở lên thì phải khai nộp thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế thu nhập cá nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

+ Đối với trường hợp hộ kinh doanh không khai hoặc khai không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế sẽ ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

+ Ngoài các loại thuế, phí, lệ phí nêu trên thì hộ kinh doanh  có thể phải nộp thêm các loại thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,…

– Trong trường hợp hộ kinh doanh có nhu cầu thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh thì phải thực hiện việc thay đổi địa chỉ hộ kinh doanh với cơ quan quản lý ngay khi có sự thay đổi.

Tư vấn viên : Nguyễn Thu Hương

Liên hệ
icon-zalo