BÀI 1: Tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất mà sau khi chồng mất thì vợ có được quyền bán tài sản chung hay không?
Theo quy định của Bộ luật dân sự, sở hữu chung vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng nếu không phải được thừa kế riêng, tặng cho riêng, hình thành từ tài sản riêng thì sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng. Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết
- Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
- Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo đó, khi chồng mất thì người vợ bạn có quyền quản lý tài sản là tài sản chung của vợ, chồng cho đến khi có yêu cầu về chia di sản thừa kế hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản. Việc quản lý di sản không bao gồm quyền định đoạt tài sản. Do đó trong thời gian người vợ quản lý tài sản là di sản thừa kế, người vợ không được phép chuyển nhượng, mua bán, tặng cho tài sản này. Trường hợp người vợ vẫn muốn chuyển nhượng căn nhà thì có thể thỏa thuận với những người thừa kế khác về việc phân chia di sản thừa kế
Căn cứ Điều 57 Luật công chứng năm 2013 quy định:
Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
- Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
- Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.
- Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.
Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Những thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người mất gồm gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi và vợ thỏa thuận được với nhau về việc phân chia di sản thừa kế và không xảy ra tranh chấp. Như vậy, những người thừa kế theo pháp luật cùng đến Văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã/phường để làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hồ sơ gồm:
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng);
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,…;
+ Dự thảo biên bản họp gia đình/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
Bài 2: Tổ chức tín dụng có quyền nhắc nợ, đòi nợ đối với người thân, bạn bè của người vay nợ không?
Hợp đồng tín dụng là thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (gọi là bên cho vay) với khách hàng là tổ chức, cá nhân (gọi là bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thoả thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm. Trong nhiều trường hợp nhiều cá nhân/tổ chức gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay dẫn đến việc người thân, bạn bè bị tổ chức tín dụng gọi điện làm phiền, quấy rối liên tục, thậm chí là đe dọa mặc dù người đó không có nghĩa vụ phải trả số tiền vay, ảnh hưởng đến cuộc sống của người không vay tiền.
Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ như sau:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
- a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
- b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy nghĩa có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp khi người vay tiền gặp khó khăn dẫn đến mất khả năng thanh toán thì có thể thỏa thuận với Ngân hàng về việc gia hạn thời hạn trả nợ, cam kết bồi hoàn tiền nợ và bồi thường chi phí chậm trả. Nếu bạn không trả tiền thì Ngân hàng có quyền khởi kiện tại Tòa án cấp quận/huyện nơi người vay cư trú theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Phía Ngân hàng liên tục dùng rất nhiều số điện thoại lạ gọi đến đe doạ và uy hiếp gia đình và những người thân khác của người vay nợ. Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
“đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”.
Như vậy, theo quy định trên thì Ngân hàng không được phép đòi nợ, nhắc nợ, quấy rầy người thân của người vay nợ.
Trường hợp nhân viên ngân hàng có hành vi quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thân, bạn bè người đi vay nợ thì hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:
“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin sấu nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;