• 17-12-2019
  • 1702 Lượt xem

Bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp – Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Gần đây, những vụ việc tranh chấp về tên thương mại, nhãn hiêu hàng hóa và các quyền sở hữu trí tuệ khác đã trở nên đình đám và diễn biến phức tạp. Dù đúng hay sai, kết quả phân xử thế nào thì cũng kéo theo là sự mệt mỏi và các tổn thất không nhỏ cho nhân vật chính cũng như các bên có liên quan.

Nguyên nhân thì nhiều mà thực trạng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp của nước ta hiện nay vẫn chưa nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu và sự đóng góp quan trọng của thương hiệu trong giá trị sản phẩm.

Sử dụng một thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ là để Doanh nghiệp đó phân biệt rạch ròi hàng hóa hay dịch vụ của công ty mình với công ty đối thủ. 

Việc đăng ký bảo hộ các quyền về sở hữu trí tuệ luôn được pháp luật bảo vệ và tạo mọi điều kiện.

Luật sở hữu trí tuệ 2005, Luật sửa đổi năm 2009 quy định:

“Điều 8. Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tu

  1. Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.
  2. Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
  3. Hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  4. Ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  5. Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.”

Điều 9. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Phí, lệ phí về sở hữu trí tuệ

Tổ chức, cá nhân phải nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 199:  Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

  1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
  2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

bảo hộ thương hiệu doanh nghiệp

Luật thì quy định rõ ràng như thế, tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Đáng lẽ ra trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, mỗi Doanh nghiệp cần nhận thức được rằng: việc đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ là Doanh nghiệp đã tự bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Có quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ trên tay, Doanh nghiệp đó có quyền khởi kiện những hành vi xâm phạm để buộc đối thủ chấm dứt hành vi vi phạm và được bồi thường thỏa đáng.

Ngoài ra, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đem đến nhiều ý nghĩa cần thiết cho doanh nghiệp và cho xã hội như:

♦ Bảo hộ cho lợi ích quốc gia

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp hàng của Việt Nam mặc dù rất được thị trường quôc tế ưa chuộng nhưng do không bảo hộ về sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nên bị các nhà sản xuất ở nước ngoài lợi dụng bắt chước chế tạo,  làm hàng giả, hàng nhái dẫn đến việc mất dần khách hàng, thị phần trên thị trường nước ngoài.

♦ Thu hút nguồn vốn đầu tư và khuyến khích chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Nếu chúng ta làm tốt chính sách về bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhất là các nhà đầu tư đa quốc gia khi họ thực hiện đầu tư hay chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.

Thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới kỹ thuật trong sản xuất  kinh doanh

Việc Bảo hộ thương hiệu và các quyền về sở hữu trí tuệ sẽ giúp cho chủ sở hữu được yên tâm hơn khi sáng tạo ra những hàng hóa hoặc thương hiệu đặc trưng và điều này có tác dụng thúc đẩy họ luôn tìm tòi đổi mới kỹ thuật trong sản xuất  kinh doanh.

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh:

Sự rõ ràng minh bạch và các chế tài nghiêm minh sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và giữa các thương hiệu, tránh trường hợp doanh nghiệp nọ lợi dụng thương hiệu của doanh nghiệp kia để tiêu thụ hàng hoá của mình và làm lợi bất chính.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần kích cầu trong xã hội.

Bảo hộ thương hiệu giúp người tiêu thụ yên tâm hơn khi sử dụng hàng hóa của nhà sản xuất đáng tin cậy, nó góp phần tích cực chống tệ nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Xem thêm >>> Thủ tục pháp lý, hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Cũng qua thương hiệu được công bố rộng rãi, người tiêu dùng biết được các thông tin cần thiết về hàng hoá mình lựa chọn như: xuất xứ, công dụng, tên nhà sản xuất… để có quyết định tiêu dùng phù hợp với khả năng và nhu cầu.

Luật Sư : Lê Thảo

Liên hệ
icon-zalo