• 24-10-2019
  • 638 Lượt xem

Cách tính thuế giá trị gia tăng ( thuế GTGT)

Trước khi tìm hiểu về cách tính thuế GTGT thì chúng ta cùng tìm hiểu rõ xem “ Thuế giá trị gia tăng là gì?”. Thuế GTGT (VAT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng.

Phương pháp tính thuế GTGT

1. Phương pháp khấu trừ thuế

* Đối tượng áp dụng: Theo điều 12 thông tư 219/2013/TT-BTC thì phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng với các đối tượng sau:

  • Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định về pháp luật của kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Cơ sở kinh doanh đang hoạt động sẽ có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Cơ sở kinh doanh nếu  đăng ký tự nguyện sẽ áp dụng phương pháp khấu trừ.

* Đối với phương pháp này thì doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào, đầu ra. Nếu thuế GTGT đầu vào lớn hơn đầu ra thì doanh nghiệp không phải nộp thuế. Hóa đơn sử dụng là hóa đơn do doanh nghiệp tự đặt in của nhà in theo mẫu tự thiết kế ( hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử).

* Công thức tính:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó: 

  • Thuế GTGT đầu vào sẽ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT.
  • Thuế GTGT đầu ra sẽ bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT bán ra của hàng hóa, dịch vụ. 

 

cách tính thuế giá trị gia tăng

 

2. Phương pháp trực tiếp trên doanh thu

* Đối tượng áp dụng:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới một tỷ đồng trừ trường hợp tự nguyện đăng ký phương pháp khấu trừ.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập trừ trường hợp tự nguyện đăng ký phương pháp khấu trừ.
  • Hộ, cá nhân kinh doanh;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật
  • Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã trừ trường hợp khác đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

* Đối với phương pháp này doanh nghiệp nộp thuế theo tỷ lệ doanh thu ( tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp). Hóa đơn sử dụng là hóa đơn trực tiếp mua của cơ quan thuế.

* Công thức tính :

Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ (%) * Doanh thu ( là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi thực tế trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm cả các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng)

Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định như sau:

  • Phân phối và cung cấp hàng hóa  1% . Bao gồm:
  • Hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa 
  • Dịch vụ xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu  5%
  • Dịch vụ lưu trú, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ
  • Dịch vụ cho thuê nhà đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê tài sản và đồ dùng cá nhân khác
  • Dịch vụ cho thuê kho bãi, máy móc, phương tiện vận tải
  • Dịch vụ bưu chính, chuyển phát thư tín và bưu kiện
  • Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý
  • Dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán; dịch vụ làm thủ tục hành chính thuế, hải quan
  • Dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin , thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông
  • Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, game, internet
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 3% 
  • Sản xuất, gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa
  • Vận tải hàng hóa, vận tải hành khách
  • Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ
  • Dịch vụ ăn uống
  • Dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, phương tiện vận tải 
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%

3. Phương pháp trực tiếp trên thuế giá trị gia tăng (GTGT)

  • Phương pháp này sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc đá quý.
  • Công thức tính: 

Số thuế GTGT phải nộp = thuế suất GTGT * GTGT

 GTGT được tính như sau: 

GTGT = Giá thanh toán bán ra – trừ giá thanh toán mua vào tương ứng

Trong đó: 

  • Giá thanh toán bán ra là giá bán thực tế ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
  • Giá thanh toán mua vào được xác định bằng giá trị của vàng bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu đã có thuế GTGT dùng cho mua bán chế tác vàng bạc, đá quý mua vào tương đương.

Trên đây là chia sẻ của Văn Phòng Luật Sư Long Việt về cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), hy vọng thông tin trên sẽ hữu ích với quý vị. Nếu còn thắc mắc hay cần chúng tôi tư vấn gì thêm về các vấn đề pháp lý khác xin vui lòng liên hệ ngay để được hỗ trợ tốt nhất.

Tư vấn viên : Nguyễn Hằng

Liên hệ
icon-zalo