• 29-03-2021
  • 1036 Lượt xem

Chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản hay không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 166 BLDS 2015, chủ sở hữu đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, chủ sở hữu sẽ không thể đòi lại tài sản của mình.

Trường hợp thứ nhất, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền đối với tài sản đó (khoản 2 Điều 166 BLDS 2015). Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu (chủ thể có đầy đủ ba quyền đối với tài sản – quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt) nhưng cũng đồng thời bảo vệ các chủ thể có một số quyền đối với tài sản của chủ sở hữu như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng hay quyền đối với bất động sản liền kề[1]. Do đó, chủ sở hữu không thể đòi lại tài sản trong trường hợp này.

chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản

Trường hợp thứ hai, căn cứ theo Điều 167 BLDS 2015, chủ sở hữu sẽ không có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người đó có được động sản thông qua hợp đồng có đền bù với ngươi không có quyền định đoạt tài sản và động sản đó không thuộc các trường hợp bị lấy cắp, bị mất hay bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Như vậy, cần phải xác định rõ hai yếu tố (1) tính chất của hợp đồng giữa người chiếm hữu ngay tình và người không có quyền định đoạt tài sản và (2) cách thức người không có quyền định đoạt tài sản có được động sản để có thể quyết định chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản hay không.

Trường hợp thứ ba, nếu người chiếm hữu ngay tình đối với động sản có đăng ký quyền sở hữu[2] hoặc bất động sản[3] theo trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 thì chủ sở hữu không được đòi lại tài sản (Điều 168 BLDS 2015). Như vậy, người chiếm hữu ngay tình có được hai loại tài sản trên (1) sau khi tài sản đã được người khác đăng ký quyền sở hữu và thông qua giao dịch dân sự với người này; (2) thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc (3) giao dịch với người mà theo bản án quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì sẽ trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.

Trường hợp thứ tư, nếu người chiếm hữu, người được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã được xác lập quyền sở hữu theo Điều 236 BLDS 2015 thì chủ sở hữu không được đòi lại tài sản. Đối với trường hợp này, thời hạn đối với các loại tài sản được xác định rõ: 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản.

[1] Điều 159 BLDS 2015

[2] khoản 1 Điều 106 BLDS 2015

[3] Khoản 1 Điều 107 BLDS 2015

Liên hệ
icon-zalo