Đang vay nợ và có nợ xấu với ngân hàng tại Việt Nam thì có xin được visa để xuất cảnh không? Quy định của pháp luật về các trường hợp cấm xuất cảnh.
Cơ sở pháp lý
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCA năm 2015 hợp nhất Nghị định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an ban hành
Luật sư tư vấn
Trên thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp công dân xuất cảnh để tránh các nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức. Do đó khi công dân thuộc vào các trường hợp xuất cảnh gây gây ảnh hưởng đến lợi ích đó thì các cơ quan có thẩm quyền có quyền hạn chế quyền xuất nhập cảnh.
1 số định nghĩa liên quan
Xuất cảnh: là việc công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Khoản vay: là việc một cá nhân, tổ chức hay thực thể cho một cá nhân, tổ chức hay thực thể khác vay tiền có lãi suất hoặc không có lãi suất theo sự thỏa thuận của các bên.
Nghĩa vụ trả nợ: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì Nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ của một cá nhân, tổ chức phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác
Các trường hợp không được xuất cảnh theo quy định của pháp luật hiện nay
Căn cứ theo điều 21 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCA thì công dân Việt Nam ở trong nước sẽ không được xuất cảnh trong các trường hợp dưới đây:
- Công dân Việt Nam đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm. Nếu công dân đang bị xác định là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện một hành vi phạm tội hoặc đang là người có liên quan đến công tác điều tra thì bị hạn chế xuất cảnh.
- Công dân Việt Nam đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự, dân sự, kinh tế, đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
- Công dân Việt Nam đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó
- Công dân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật và không đủ điều kiện để xuất cảnh
- Công dân Việt Nam vì lí do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội
Điểm chung của các trường hợp bị hạn chế xuất cảnh là vì công dân đó đang bắt buộc phải thực hiện một nghĩa vụ với Nhà nước hay với một cá nhân, tổ chức, hoặc vì lí do khách quan đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Việc hạn chế đối với những đối tượng này nhằm giúp cho tiến trình quản lí người dân được dễ dàng hơn.
Trong trường hợp nào vay nợ thì không được xuất cảnh?
Khoản vay ở ngân hàng được xem là nghĩa vụ tài chính của một cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng. Căn cứ vào khoản 3, 4 điều 21 Văn bản hợp nhất 07/2015/VBHN-BCA năm 2015 hợp nhất Nghị định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ Công an ban hành quy định như sau:
“Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
- Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó“
Theo quy định về trường hợp “những nghĩa vụ tài chính khác” nêu trên thì khoản nợ cũng là một trong những nghĩa vụ này. Tuy nhiên khi vay tiền ở ngân hàng nếu như công dân này có có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ không thuộc trường hợp bị hạn chế xuất cảnh. Như vậy khi vay ngân hàng công dân chỉ bị hạn chế xuất cảnh khi thuộc vào trường hợp khoản vay này đến hạn mà bạn chưa trả được và không có tài khoản đảm bảo cho khoản vay. Hoặc nếu công dân không có tài sản đảm bảo, đến thời hạn mà không trả nợ và Ngân hàng đã khởi kiện bạn thì chưa được xuất cảnh do đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự. Còn nếu như khoản vay ngân hàng này chưa đến hạn trả nợ, hoặc có tài sản đảm bảo khoản vay thì công dân vẫn được xuất cảnh theo quy định của pháp luật
Về thẩm quyền quyết định đưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh:
Theo quy định tại Điều 22 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BCA, thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp vay tiền ngân hàng không được xuất cảnh:
“1. Thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh :
a) Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này.
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 4 Điều 21 Nghị định này.
c) Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này.
d) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 6 Điều 21 Nghị định này.
đ) Thủ trưởng cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại khoản 7 Điều 21 Nghị định này.
2. Các cơ quan có thẩm quyền nêu tại các điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều này khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện. Khi hủy bỏ quyết định đó cũng phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an để thực hiện.
3. Cơ quan nào quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh.
4. Người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.”
Như vậy, Ngân hàng không phải là cơ quan có thẩm quyền quyết định công dân đó được phép xuất cảnh ra nước ngoài hay không? Mà thẩm quyền này là do pháp luật quy định. Theo đó khi các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định công dân chưa được phép xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, nêu rõ lý do chưa được xuất cảnh, và thời hạn chưa cho phép xuất cảnh, nếu có quyết định đó phải thông báo bằng văn bản cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an. Bên cạnh đó, cần phải thông báo cho công dân bị hạn chế xuất cảnh biết bằng văn bản để nghiêm chỉnh thực hiện.
HÃY LIÊN HỆ CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN CỤ THỂ
Văn phòng 1 : Tầng 1, 2 (phòng cộng đồng) tòa nhà B10A Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội.
Email : luatlongviet@gmail.com
Văn Phòng 2 : Số 3 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội.
Email : luatlongviet2@gmail.com.
Điện thoại: 0914 377 437 *** 0914 347 724 *** 0913 984 083
*** Website: luatlongviet.com ***
Tư vấn viên: Đào Hoàng Anh