Anh Nam vào làm việc tại công ty TNHH X theo HĐLĐ không xác định thời hạn từ ngày 05/03/2017. Tháng 01/2018 anh Nam được bầu làm chủ tịch BCH Công đoàn công ty. Tháng 4/2018 anh Nam nhân danh BCH Công đoàn kêu gọi người lao động đình công phản đối chính sách tiền lương của công ty. Đại bộ phận NLĐ hưởng ứng lời kêu gọi của anh Nam và họ đã viết một bản yêu sách tới Giám đốc kèm lời tuyên bố nếu trong thời gian 3 ngày Giám đốc không có quyết sách thỏa đáng về tiền lương cho NLĐ trong công ty thì họ sẽ đồng loạt nghỉ việc. Vì việc này mà giám đốc công ty X đã ra quyết định cách chức chủ tịch BCH Công đoàn đối với Nam và cảnh báo: nếu Nam lãnh đạo NLĐ đình công theo như đã thông báo thì Nam sẽ bị sa thải. Tiếp nhận quyết định cách chức và cho rằng mình bị công ty “xử ép” nên Nam đã tổ chức cho nhiều NLĐ ngừng việc ngay ngày hôm sau. Giám đốc công ty X triệu tập xem xét việc kỉ luật đối với Nam tại trụ sở của công ty gồm Giám đốc, trưởng Phòng Nhân sự, các thành viên còn lại của BCH Công đoàn công ty, Tổ trưởng tổ sản xuất nơi Nam làm việc và bản thân Nam. Tại phiên họp, đa số những người tham gia đều phát biểu theo hướng bất lợi cho Nam, kể cả các thành viên trong BCH Công đoàn. Nam cho rằng thành phần tham gia phiên họp không khách quan và cho rằng mình không vi phạm kỉ luật lao động nên đã bỏ về giữa chừng. Theo ý kiến tán thành của hầu hết những người dự họp, ngày 05/05/2018 Giám đốc công ty X ký quyết định sa thải Nam vì lý do tự ý bỏ việc vì lý do không chính đáng (quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và được gửi cùng ngày cho Nam). Khi nhận quyết định sa thải, Nam làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.
CÂU HỎI:
1. Hãy nhận xét việc công ty X xử lý kỷ luật đối với Nam trong hai lần nói trên, có đúng quy định pháp luật hay không?
2. Giả sử ngày 10/5/2019 Nam khởi kiện công ty X ra tòa vì cho rằng mình bị sa thải trái pháp luật. Theo bạn, tòa án nhân dân có thụ lý hay không? Tại sao?
Trả lời:
Câu 1: Hãy nhận xét việc công ty X xử lý kỷ luật đối với Nam trong hai lần nói trên, có đúng quy định pháp luật hay không?
*Công ty X xử lý kỷ luật cách chức đối với Nam lần thứ nhất là không đúng theo quy định của pháp luật
Căn cứ pháp lý
– Khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2012
– Khoản 5 Điều 192 BLLĐ 2012
– Điều lê công đoàn năm 2017
Giải thích
Giảm đốc công ty X ra quyết định cách chức chủ tịch BCH công đoàn của Nam là không đúng, cụ thể theo theo Khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2012 Vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động : “ Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.”
Anh Nam đã làm đúng nhiệm vụ quyền hạn của mình đối với tổ chức công đoàn công ty X mà anh là Chủ tịch. Anh Nam nhân danh chủ tịch công đoàn gửi bản yêu sách tới giám đốc để bảo vệ quyền và lợi ích của toàn thể người lao động công ty. Việc làm của anh Nam là đúng luật. Nhưng khi vụ việc xảy ra Giám đốc công ty không tham khảo bản yêu sách được gửi lên mà ra quyết định cách chức chủ tịch công đoàn của anh. Điều này là không đúng với quy định tại Khoản 5 Điều 192 BLLĐ 2012 Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức công đoàn: “Tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở trước khi ban hành các quy định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với người lao động.”
Hơn nữa, theo điều lệ công đoàn năm 2017: Nếu chủ tịch ban chấp hành công đoàn tín nhiệm bầu lên thì thẩm quyền cách chức chủ tịch BCH công đoàn cũng do những người này khi không còn tín nhiệm chủ tịch BCH đối với anh Nam nữa, họ sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm và bầu ra một BCH công đoàn mới => Do đó giám đốc công ty X hoàn toàn không có quyền ra cách chức Chủ tịch BCH công đoàn đối với anh Nam
*Giám đốc công ty X ký quyết định sa thải Nam vì lý do nghỉ việc không chính đáng là không đúng với quy định của pháp luật
Căn cứ pháp lý
– Khoản 1 Điều 209, khoản 1 điều 210, điều 213, khoản 1 điều 122 BLLĐ 2012.
– Khoản 1 Điều 215 quy định về những trường hợp đình công bất hợp pháp.
– Khoản 4 Điều 219 BLLĐ 2012 về vấn đề hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công.
Giải thích:
Quyết định do giám đốc công ty X ban hành với nội dung sa thải Nam vì lý do tự ý nghỉ việc là không hợp pháp. Thời gian mà công ty X gọi là “tự ý nghỉ việc mà không có lí do chính đáng” là do Nam sử dụng để đình công, do đó việc xét đến tính hợp pháp và bất hợp pháp của cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến sự chính xác của lý do này. Cụ thể:
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 209, khoản 1 điều 210 điều 213, khoản 1 điều 212 thì có thể kết luận rằng đình công mà do Nam lãnh đạo một số người lao động trong công ty X là bất hợp pháp vì:
+ Đình công là sự ngừng việc tạm thời tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động (khoản 1 điều 209)
+ Khoản 1 điều 213: Khi có trên 50 % số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của BCH công đoàn đưa ra thì BCH công đoàn quyết định đình công bằng văn bản => Nhưng thực tế cuộc đình công của Nam mang bản chất chỉ là sự tranh chấp lao động cá nhân giữa Nam và giám đốc công ty X vì cho rằng mình bị công ty “xử ép” và không nói rõ số lượng người tham gia đình công
+ Điểm a và điềm d Khoản 2 Điều 213 cho thấy anh Nam đã không lấy ý kiến đình công từ bất kỳ BCH công đoàn nào tại công ty
+Khoản 3 điều 213 cho thấy anh Nam không gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, và gửi 1 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 1 bản cho công đoàn cấp tỉnh.
+Khoản 1 điều 210 cho thấy cuộc đình công diễn ra không do ban chấp hành công đoàn cơ sở lãnh đạo. Mà chỉ do Nam đứng ra chủ trương, kêu gọi và lãnh đạo người lao động tiến hành nghỉ việc.
+Khoản 1 điều 212 cho thấy Nam thực hiện cuộc đình công này không lấy ý kiến của thành viên BCH công đoàn cơ sở và các tổ trưởng sản xuất.
+Khoản 1 điều 215 cho thấy cuộc đình công của Nam thuộc những trường hợp đình công bất hợp pháp do không xuất phát từ lợi ích tập thể mà do Nam thấy mình bị “xử ép”.
◊ Qua những điều trên ta nhận thấy rõ là cuộc đình công do anh Nam lãnh đạo đình công tại công ty B là bất hợp pháp
◊ Về phía công ty ra quyết định sa thải: Theo khoản 4 điều 219 nói về hành vi bị cấm trước và sau khi đình công nói rõ: “nghiêm cấm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động,người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.”
=> Do đó công ty X ra quyết định sa thải anh Nam là không hợp pháp.
Câu 2: Giả sử ngày 10/5/2019 Nam khởi kiện công ty X ra tòa vì cho rằng mình bị sa thải trái pháp luật. Theo bạn, tòa án nhân dân có thụ lý hay không? Tại sao?
– Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 201 BLLĐ 2012 quy định về xử lý kỉ luật theo hình thức sa thải thì không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải. Vậy anh Nam có thể khởi kiện công ty X ra tòa án là đúng với quy định của pháp luật.
-Theo khoản 2 Điều 202 BLLĐ quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
=> Như vậy, ngày 10/5/2019 Nam khởi kiện công ty X ra tòa là đã quá thời hiệu, vì ngày 05/05/2018 Giám đốc công ty X ký quyết định sa thải Nam vì lý do tự ý bỏ việc vì lý do không chính đáng (quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và được gửi cùng ngày cho Nam).
Vì đã hết thời hiệu khởi kiện nên Tòa án nhân dân không thụ lý đơn khởi kiện của Nam.
Tư vấn viên : Lê Thị Thu Hà