• 26-11-2019
  • 795 Lượt xem

Hướng dẫn cách viết hợp đồng lao động

I. Hợp đồng lao động, hình thức của hợp đồng lao động

* Hợp đồng lao động: 

Hợp đồng lao động là văn bản thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc làm có trả công, trong hợp đồng có quy định rõ về điều kiện lao động, thời gian làm việc, mức lương, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. 

* Hình thức hợp đồng lao động:

– Hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản và được lập thành 02 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản. s

– Đối với những công việc có tính chất tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói.

II. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động:

– Hợp đồng lao động được ký kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các quy định của pháp luật lao động. 

– Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận sửa đổi những nội dung trong hợp đồng. 

– Trong trường hợp có sự thay đổi của một trong những nội dung chủ yếu về điều kiện lao động thì người lao động có quyền ký kết hợp đồng lao động mới.

cách viết hợp đồng lao động

III. Các loại hợp đồng lao động 

* Các loại hợp đồng lao động:

Theo quy định tại Điều 22 Bô luật lao động 2012 quy định hợp đồng lao động chỉ được ký kết theo 1 trong các loại sau:

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là loại  hợp đồng mà ở các bên trong quan hệ lao động không xác định thời hạn hợp đồng, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là loại hợp đồng mà trong đó các bên trong quan hệ lao động xác định thời hạn hợp đồng, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Đây là loại hợp đồng các bên trong quan hệ lao động tự thoả thuận bằng lời nói, không bắt buộc phải lập thành văn bản.

2. Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc bình thường trong thời hạn 30 ngày từ ngày hợp đồng hết thời hạn.Trong trường hợp này, hai bên trong quan hệ lao động phải tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trường hợp nếu các bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trước đó trở thành hợp đồng không xác định thời hạn, còn hợp đồng mùa vụ có thời hạn dưới 12 tháng đã giao kết trước đó sẽ trở thành hợp đồng xác định thời hạn với thời hạn hợp đồng là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, nghĩa là các bên trong quan hệ lao động chỉ được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn tối đa là 02 lần. Sau khi hết thời hạn hợp đồng mà người lao động vẫn làm việc thì các bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

IV. Nội dung hợp đồng

Hợp đồng lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

– Thông tin về người lao động và người sử dụng lao động hoặc đại diện hợp pháp: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, CMND/CCCD, nơi cư trú..;

– Công việc và nơi làm việc;

– Thời hạn của hợp đồng lao động;

– Mức lương, ngày trả lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác và hình thức trả lương;

– Thời hạn kết thúc của hợp đồng lao động;

– Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi;

– Chế độ nâng lương, thăng cấp bậc;

– Chế độ bảo hiểm xã hội;

– Trang bị bảo hộ lao động, các thiết bị cần thiết phục vụ cho công việc;

– Chế độ làm thêm giờ;

– Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trình độ làm việc cho người lao động;

Trong trường hợp làm việc liên quan đến bí mật kinh doanh, công nghệ của công ty theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thoả thuận bằng văn bản với người lao động về việc đảm bảo bí mật của công ty, thời hạn đảm bảo bí mật, quyền lợi và bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

V.  Phụ lục hợp đồng lao động

Phụ lục của hợp đồng lao động là 1 bộ phận không thể tách rời của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục Hợp đồng được lập khi các bên muốn quy định chi tiết nội dung, sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

VI. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 36 Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

  1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
  2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
  3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
  4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
  5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
  6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
  7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
  8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
  9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
  10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tư vấn viên : Hồ Thị Thủy

Liên hệ
icon-zalo