Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc doanh nghiệp huy động vốn nhằm phát triển thị trường rất phổ biến trong đó việc vay tài sản được xem là công cụ hữu dụng để huy động vốn nhanh nhất. Việc vay tài sản được lập thành hợp đồng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức kinh tế và với các tổ chức tín dụng.
1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản
a, Hợp đồng: là sự thoả thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên trong hợp đồng. Theo quy định của BLDS 2015 thì có các loại hợp đồng phổ biến như: Hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản…
b, Hợp đồng vay tài sản: là sự thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, theo đó bên cho vay sẽ giao tài sản của mình cho bên vay; khi đến hạn trả thì bên vay có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải trả lãi cho bên cho vay nếu trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc trả lãi. (Điều 463 BLDS 2015).
2. Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản
– Đây là căn cứ chuyển giao quyền sở hữu tài sản của bên cho vay và bên vay tài sản theo đó bên vay sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản cho vay kể từ thời điểm chuyển giao tài sản;
– Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế;
– Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc song vụ
– Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
3. Đối tượng, thời hạn của hợp đồng vay tài sản
– Thông thường đối tượng của hợp đồng vay tài sản là một khoản tiền tuy nhiên cũng có thể là vàng, đá quý hoặc một số tài sản khác…do các bên thoả thuận
– Thời hạn của hợp đồng vay: có thể là hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn do các bên tự thoả thuận.
4. Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
a, Nghĩa vụ của bên cho vay (theo điều 465 BLDS 2015)
– Giao tài sản vay cho bên vay đúng số lượng, chất lượng, thời gian và địa điểm mà các bên đã thoả thuận;
– Bồi thường thiệt hại cho bên vay, trong trường hợp bên cho vay biết được rằng tài sản cho vay không đảm bảo chất lượng nhưng lại không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết được tài sản không bảo đảm nhưng vẫn nhận tài sản đó;
– Không được yêu cầu bên vay phải trả lại tài sản trước thời hạn vay theo quy định tại điều 470 BLDS 2015.
b, Nghĩa vụ trả nợ của bên vay (theo điều 466 BLDS 2015)
– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đầy đủ tiền khi đến hạn trả trong hợp đồng; nếu trường hợp tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng và chất lượng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Trong trường hợp bên vay không thể trả vật đã vay thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay, nếu được bên cho vay đồng ý.
– Địa điểm trả nợ là nơi cư trú, nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác
– Trong trường hợp cho vay tài sản không có lãi, nhưng khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
4. Lãi suất hợp đồng vay tài sản
Điều 468 BLDS 2015 quy định: lãi suất vay do các bên tự thoả thuận và thống nhất với nhau nhưng lãi suất không được vượt quá 20%/ năm của khoản vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
+ Trong trường hợp lãi suất do các bên thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn mà pháp luật đã quy định thì mức lại suất vượt quá đó không có hiệu lực
Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi suất, nhưng không xác định rõ lãi suất là bao nhiêu và các bên có tranh chấp về lãi suất thì trong trường hợp này lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại Điều 468 BLDS 2015 tại thời điểm trả nợ (10%/năm).
Trên đây là những vấn đề cơ bản liên quan đến Hợp đồng vay tài sản. Nếu khách hàng có vướng mắc xin liên hệ Văn phòng Luật sư Long Việt để được tư vấn cụ thể và chính xác.
♦ Văn phòng Luật sư Long Việt chuyên:
– Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hợp đồng
– Đại diện khách hàng tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng khi có yêu cầu hỗ trợ của khách hàng…
Tư vấn viên : Hồ Thị Thủy